Một dự luật sửa đến lần thứ 9 vẫn chẳng khác lần 1. Vì sao?

Thứ Ba 16:28 11-04-2006
TTCT - Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - đại biểu Quốc hội, chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) VN - tỏ vẻ rất bức xúc về những điều “ngang trái’’ trong dự thảo Luật về hội (dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới):

Phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc hoạt động của hội là tự nguyện, tự chủ, thậm chí đi ngược lại cả nghị quyết của Đảng (?).

* Là người đứng đầu một hiệp hội lớn, xin GS cho biết đánh giá của mình về dự thảo Luật về hội?

- Luật về hội giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo và mang đi hỏi ý kiến rất nhiều hội. Trong đấy có Liên hiệp các hội KHKT VN. Mỗi lần lấy ý kiến, các nhà khoa học đều đóng góp ý kiến rất nhiệt tình cho bản dự thảo này. Nhưng điều đáng tiếc, soạn thảo cho đến lần thứ 9 thì dự luật này vẫn chẳng khác gì lần thứ nhất.

Tức là vẫn cứ có mấy đoàn thể “bề trên” (Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh - PV) được tách riêng ra. Còn Liên hiệp KHKT VN, Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN, một loạt tổ chức khác nằm trong điều chỉnh của luật này.

Theo ý kiến của các nhà khoa học và ý kiến chúng tôi nói chung, đặt như vậy là không bình đẳng! Bởi vì bất kỳ đoàn thể nào đều là do quần chúng tạo nên, dù là của công nhân, nông dân hay của trí thức... thì đều phải bình đẳng.

Thứ hai là nguyên tắc tự nguyện và tự chủ là nguyên tắc rất quan trọng trong việc thành lập hội thì cũng không được coi trọng! Bởi vì hội dựa vào bộ ngành, một cơ quan hành chính để quản lý, theo dõi... Điều ấy hoàn toàn ngang trái và không đúng với một luật về hội, ngay của VN cũng như trên thế giới. Hội đã thành lập là phải trên nguyên tắc bình đẳng, tự do, dân chủ, tự nguyện và không có những cái đó thì không có luật về hội.

* Những vấn đề gì gây bức xúc lớn nhất cho giới khoa học, công nghệ?

- Nghị quyết số 2 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII có đặt Liên hiệp các hội KHKT VN ở trung ương cho đến địa phương đều là các tổ chức chính trị - xã hội. Tại sao chúng ta lại cứ ngang nhiên chỉ đặt Liên hiệp các hội KHKT VN ở trung ương là tổ chức chính trị - xã hội, còn Liên hiệp các hội KHKT ở các tỉnh, thành phố lại là tổ chức xã hội - nghề nghiệp? Chúng ta ngang nhiên làm trái với nghị quyết Ban chấp hành T.Ư Đảng!

Tôi cho những vấn đề nêu trên là nghiêm trọng, nếu không giải quyết được trong điều kiện cụ thể của VN thì Luật về hội chưa nên đưa ra Quốc hội.

* Khi Chính phủ trình Luật về hội ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 4-4, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan nói thẳng ‘’ra luật như thế thì gây mất đoàn kết chứ không hay ho gì’’?

- Đúng rồi! Một luật đưa ra phải chủ trương ‘’đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết’’ theo như Bác Hồ nói. Nếu đưa luật này ra thì sẽ gây mất đoàn kết giữa các tập thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng quan trọng hơn nữa là làm mất uy tín của Đảng đối với giới khoa học, công nghệ, trong khi chúng ta nêu ‘’khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu’’.

* Theo ông, các hội như hội đồng hương, hội làm vườn, hội chọi gà... có cần xin phép của chính quyền để hoạt động không?

- Có rất nhiều hội nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, có tổ chức nghiêm túc và Đảng, Chính phủ đều có sự hỗ trợ. Nhưng có rất nhiều hội, như hội đồng hương, các hội dòng họ không cần ai hỗ trợ. Người ta cứ làm và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước là được. Tất cả những tự nguyện ấy từ xưa đến nay có trái với đường lối của Đảng đâu! Hội có rất nhiều loại hội, kể ra có đến hàng vạn hội, chúng ta quản lý thế nào được?

Chúng ta chỉ tập trung quản lý một số hội chủ yếu của quần chúng. Trong các hội này phải hết sức nhấn mạnh liên minh công - nông - trí thức. Đấy là những vấn đề hết sức quan trọng, là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân.

* Trong dự thảo Luật về hội, các bộ ngành vẫn ‘’quản lý nhà nước’’ đối với hoạt động của hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách?

- Chúng tôi cực kỳ phản đối cái đấy! Giới trí thức cực kỳ phản đối, kể cả bên văn học nghệ thuật người ta cũng phản đối. Đây là hội của quần chúng nhân dân, lý đâu Chính phủ cứ can thiệp vào! Can thiệp vào là sai! Ai còn giữ quan điểm ấy là đi ngược đường lối của Đảng. Đi ngược với nguyên tắc thành lập các hội quần chúng.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng một số hội muốn được các bộ ngành ‘’quản’’ để làm chỗ dựa dẫm?

- Cũng đừng đánh giá như vậy! Ai đó nói hội dựa vào ngân sách nhà nước nhưng thật ra các hội chẳng được ngân sách bao nhiêu. Đã sản sinh ra hội mà Đảng thấy cần thiết thì phải có trách nhiệm hỗ trợ cho hội đó hoạt động. Sự hỗ trợ một tổ chức quần chúng hoạt động được về kinh phí, trụ sở, ở mức độ nhất định là điều cần thiết.

* Xin phép hỏi GS: Liên hiệp các hội KHKT VN có thể tự chủ về tài chính?

- Cũng có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ quan trung ương của Liên hiệp hội. Còn rất nhiều các hội thành viên có thể tự chủ được về tài chính. Những hội liên quan đến xây dựng, giao thông, điện... thì người ta có thể làm chung với các bộ.
Còn nhiều hội không có cách nào thì được sự hỗ trợ của tổ chức này, tổ chức kia.

* Có ý kiến tỏ ra lo ngại việc cho các hội đặt quan hệ quốc tế hoặc nhận tài trợ của nước ngoài. Sợ rằng đằng sau chuyện hảo tâm là các tổ chức ‘’dân chủ, nhân quyền’’ âm mưu chống phá chế độ ta?

- Có chuyện gì đâu! Các hội vẫn được đặt quan hệ quốc tế như thường! Các hội phải biết mình nên đặt quan hệ và nhận tài trợ của ai. Hội tự bảo vệ lấy mình và làm đúng pháp luật. Nhưng trên thực tế tôi chưa thấy có chuyện gì xảy ra cả!

* GS có đồng tình với việc dự luật cho các hội trong nước được kết nạp hội viên liên kết, danh dự người nước ngoài để tranh thủ chất xám, kinh nghiệm của họ?

- Theo tôi, đầu tiên cứ giải quyết cơ bản các vấn đề của hội trong nước. Khi chúng ta củng cố mạnh mẽ các hội và có luật về hội thì có thể kết nạp hội viên liên kết, danh dự người nước ngoài.

* Còn một vấn đề nữa khá nhạy cảm: dự thảo luật cho phép người nước ngoài thường trú 24 tháng trở lên, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại VN thành lập hội?

- Trước mắt tôi nghĩ chưa nên. Bởi vì ngay các hội trong nước cũng còn lỉnh kỉnh thế này, đưa ra nhiều quá giải quyết không được. Tuy nhiên, việc cho phép đó có thể bổ sung vào luật trong những năm tới.

* Theo dự thảo luật, riêng thời gian chờ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội và chứng nhận công nhận điều lệ hội đã mất bốn tháng, cùng với một loạt giấy tờ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về nhân sự, điều lệ hội, chương trình hoạt động... Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do lập hội?

- Phải đơn giản thôi! Thủ tục này mới đưa vào dự thảo chứ còn trước kia thì không đến nỗi!

* Liên hiệp hội KHKT VN từng cho rằng trong thời gian ngắn mình có thể cho ‘’ra lò’’ ngay một dự thảo Luật về hội?

- Liên hiệp hội có dự thảo một Luật về hội để tham khảo. Chúng tôi làm chỉ trong vòng 7-10 ngày! Đấy là một luật dựa trên nguyên tắc tự nguyện, được vận dụng kinh nghiệm quốc tế... Thông thoáng hơn nhiều!

* Tại sao Bộ Nội vụ không tham khảo, thưa GS?

- Bộ Nội vụ đưa ra Luật về hội đến lần thứ 9 cũng không chịu nghe ai cả. Người ta phản đối kịch liệt! Càng đưa ra càng mất lòng dân, làm cho giới khoa học bực mình và bất mãn!

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ không có quyền quyết. Quyết là Quốc hội. Quốc hội không sáng suốt mà quyết một cách sai lầm thì tai hại!

Các văn bản liên quan