Luật GD điện tử sẽ chặn sao chép trên mạng?

Thứ Bảy 15:29 20-05-2006
Luật Giao dịch điện tử sẽ chặn sao chép trên mạng?

(VietNamNet - 23/09/2005) - "Có những giao dịch ngâm hàng tháng, hàng năm mà không bị xử phạt gì. Một cửa một dấu nhưng cần nhiều khóa thì cũng tắc!"... Đó là một vấn đề về hiện trạng của thủ tục hành chính trong mối quan hệ giữa Chính phủ và công dân, Chính phủ và doanh nghiệp được nêu ra tại Hội thảo về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (từ 22 - 23/9). Vậy Luật có cơ chế nào để "mở khóa", để cơ quan công quyền thực hiện tròn trách nhiệm của mình?

- Dự án Luật Giao dịch điện tử đang được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo.
- Mụctiêu của dự án Luật là thừa nhận giá trị pháp lý và tạo hành lang an toàn cho các giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, lĩnh vực dân sự, kinh doanh và thương mại.
- Để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự án Luật này, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 sắp tới, và đóng góp ý kiến vào một số dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành để báo cáo Quốc hội cùng dự thảo Luật; Thường trực UB KH-CN của QH tổ chức Hội thảo có sự tham gia bình luận của một số chuyên gia quốc tế, trong đó có ông Cuthbert Shepherdson, một chuyên gia của Singapore


Câu hỏi nêu ra với ông Cuthbert Shepherdson, chuyên gia Singapore, hiện là tư vấn viên quốc tế về CNTT, hỗ trợ Văn phòng Chính phủ về việc hiện đại hóa nền hành chính, bao gồm việc tin học hóa và chính phủ điện tử. Với tư cách là diễn giả trong buổi Hội thảo do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, ông Cuthbert đã trả lời phỏng vấn của VietnamNet:

- Tôi muốn nhắc đến một kinh nghiệm của Singapore trước khi bàn luận về trường hợp ở Việt Nam vừa nêu. Năm 1995, khi Singapore đặt kế hoạch xây dựng Đạo luật Giao dịch điện tử (Electric Transation Act) thì nhiệm vụ của cơ quan công quyền là hướng về công dân và DN. Họ cũng xác định thời gian cụ thể cho những mục tiêu thay đổi. Thực tế, để thay đổi cách thức làm việc thì qua một đêm không thể xong. Đối với Việt Nam, để cải cách hành chính công thì cũng đã tiến hành trong một số năm và nay vẫn đang được thực hiện với môt số kết quả bước đầu. Nhưng làm sao thay đổi nhận thức và cách làm việc cho công chức nhà nước thì cũng cần đến thời gian để tiến hành đào tạo kỹ năng. Khi đã bắt tay thực hiện cải cách, đề ra lộ trình thì theo tôi cần có sự quản lý sự thay đổi và thay đổi trước hết bắt đầu từ cấp lãnh đạo.

Khi thực hiện cơ chế một cửa thì đây không phải đã hoàn chỉnh mà mới bắt đầu vì một cửa mà vẫn phải có nhiều khóa như các bạn thấy đấy, nên cần tếp tục triển khai. Khi thăm TP.HCM để tìm hiểu về quá trình thực hiện một cửa một dấu, tôi cũng đã hỏi chính câu bạn vừa đặt ra.

Để có thể thực hiện tốt hơn, tôi cũng cho rằng, muốn thay đổi cũng cần có những biện pháp khuyến khích cụ thể, ví dụ, khuyến khích về vật chất để người thực thi có động lực và thấy rõ hơn trách nhiệm. Một vấn đề then chốt là cần tiến hành tái cơ cấu quá trình làm việc, vì khi điện tử hóa ít nhiều sẽ có sự xáo trộn về việc làm... Thêm một biện pháp nữa là sự thay đổi, quyết đoán từ phía người lãnh đạo.

"Giao dịch trên mạng cũng có giá trị pháp lý như các giao dịch khác"

- Để giao dịch điện tử được tiến hành thì cần có sự gắn kết thế nào giữa CNTT - TT và cải cách hành chính? Ở Singapore, công nghệ đến mức nào mới thực hiện được chính phủ điện tử? Ở Việt Nam, đề cập đến việc xây dựng chính phủ điện tử và giao dịch điện tử trong thời điểm này đã phù hợp chưa hay là sự lãng phí?

Ông Cuthbert Shepherdson: Xây dựng chính phủ điện tử không chỉ đơn thuần là áp đặt công nghệ vào các môi trường truyền thống mà đòi hỏi tái cơ cấu mô hình hiện hữu, cải thiện quá trình thực hiện các thủ tục và tăng cường cải cách hành chính. CNTT - TT chỉ là công cụ khởi đầu. Mô hình một cửa của cải cách hành chính nhà nước phải thực hiện đầu tiên. Trên thực tế, nếu tiến hành những cải cách về CNTT-VT mà không thực hiện một cửa thì không có đất triển khai. Riêng cải cách hành chính có ba yếu tố then chốt: thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo và tái đào tạo viên chức nhà nước như tôi đã nhắc đến ở trên và xây dựng, chuẩn hóa, tái cơ cấu quá trình để viên chức nhà nước thực hiện tốt việc mình được giao.

Ở Việt Nam, nhiều Bộ ngành tự đứng ra xây dựng hệ thống CNTT, ta không nên yêu cầu họ dừng lại hay phải đợi cải cách hành chính xong mới tiến hành. Điều quan trọng là đưa được ra danh mục những bộ phận cần tái cơ cấu. Khi phát triển CNTT không nên theo hướng tự động hóa tất cả các khâu mà quan tâm đến ứng dụng CNTT ở những khâu nào?

Ở Việt Nam, có những ngành như hải quan đã bắt đầu triển khai hải quan điện tử, khởi đầu cung cấp dịch vụ công, DN chỉ việc tải các form có sẵn, điền vào biểu mẫu và nộp qua mạng. Đó là những bước cải cách và ứng dụng đã được ghi nhận.

- Theo ông, những khó khăn, vướng mắc Việt Nam đang phải đối mặt trong việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử?

Ông Cuthbert Shepherdson: Trước hết là làm sao Luật phải hỗ trợ được khối cơ quan nhà nước, rồi đến những chỉnh thể khác và công dân trong việc thực thi. Luật phải có cơ chế hoàn chỉnh để bảo vệ đối tượng thực thi khi tiến hành những giao dịch trên mạng. Một vấn đề khác về chứng thực điện tử là Việt Nam cần có sự hợp tác với những DN có uy tín trong việc cung cấp những thiết bị kỹ thuật công nghệ. Và cũng như Singapore, cần xác định rõ về khía cạnh công nghệ: đầu tư bao nhiêu? Công nghệ nào phù hợp?...

Một điều nữa là vai trò của Chính phủ trong việc tuyên truyền cho công dân: giao dịch trên mạng cũng có giá trị pháp lý như những giao dịch khác. Cần có sự kết hợp của chính phủ và khối tư nhân, điều này ở Việt Nam tôi thất chưa được thể hiện rõ nét.

"Dịch vụ nào dân quan tâm thì được đầu tư, chú trọng phát triển"

- Thời điểm năm 1998, khi Singapore chính thức xây dựng Luật Giao dịch điện tử, nước ông gặp phải những khó khăn gì và đã khắc phục thế nào?

Ông Cuthbert Shepherdson: Năm 1997 Singapore cung cấp thông tin, trang bị cơ sở hạ tầng cho chính phủ điện tử (được gọi là Cơ chế Một Singapore). 3 năm đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho chính phủ điện tử, và chỉ triển khai thực sự từ năm 2002 trở đi, lúc đó đông đảo nhân dân cũng nhận ra tầm quạn trọng của chính phủ điện tử và giao dịch điện tử và có những yêu cầu, đòi hỏi phải được cung cấp những dịch vụ trực tuyến. Singapore cũng đặt mục tiêu đến 2006, 90% dịch vụ cấp 1 (cơ quan nhà nước và các chủ thể cung cấp qua mạng) thực hiện trực tuyến.

Một trở ngại lớn cũng nảy sinh từ đây, đó là vấn đề an toàn, bảo mật được quan tâm như thế nào. Nếu quá an toàn thì không thân thiện, thuận tiện cho việc hưởng những dịch vụ công. Mà thiếu an toàn, chặt chẽ lại ảnh hướng đến chất lượng dịch vụ. Để giải quyết, Singapore xác định, không phải Chính phủ muốn cung cấp thứ gì thì cung cấp mà cần gắn với yêu cầu thực tại về dịch vụ trực tuyến của người dân. Dịch vụ nào dân quan tâm thì được đầu tư, chú trọng phát triển. Ví dụ, tại thời điểm đó, Singapore tổ chức thí điểm trả học phí cho học sinh qua mạng, đó là một dịch vụ mà nhiều gia đình quan tâm.

- Ông cho biết rõ thêm, Luật Giao dịch điện tử đi vào thực tế cuộc sống thì đã tác động đến người dân Singapore như thế nào?

Ông Cuthbert Shepherdson: Tác động rất rõ. Nó giúp cho việc thực hiện giao dịch an toàn hơn. Một vài ví dụ là: giả sử khi người dân tiến hành giao dịch có bị thất lạc tiền bạc thì có cơ sở pháp lý, có giải pháp lấy lại được tiền. Doanh nghiệp cũng thế, sẽ có cơ sở để thực hiện hoạt động kinh doanh một cách ổn định, thuận tiện hơn. Thông qua Luật có thể phát hiện webssite nào chính thống, website nào là nhái thông qua những quy định...

- Thưa ông, tại Việt Nam, một số DN vừa và nhỏ đã đưa lên mạng những hình ảnh về sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đã bị sao chép trắng trợn đến mức họ không dám đưa lên nữa. Nếu vậy thì quả là điều thiệt thòi, vậy Luật Giao dịch điện tử có khả năng can thiệp thế nào?

Ông Cuthbert Shepherdson: Việc sớm ban hành Luật Giao dịch điện tử sẽ thừa nhận về mặt pháp lý và cũng thừa nhận việc đưa thông tin lên mạng. Luật sẽ công nhận quyền hợp pháp của người đưa thông tin lên. Đó là vấn đề chứng thực. Thêm một yếu tố nữa là Luật cần có sự kết hợp đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ, luật bảo vệ về tác quyền. Thêm một điều nữa là tác động của yếu tố tuyên truyền, giáo dục trong việc tuân thủ, thực hành pháp luật, đạo đức kinh doanh.

- Chân thành cảm ơn ông.

Bùi Dũng (thực hiện)

Các văn bản liên quan