Góp ý dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp

Thứ Tư 08:50 26-04-2006

Phá sản doanh nghiệp là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với một doanh nghiệp và đặc biệt ý nghĩa đối với chủ doanh nghiệp. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nguy cơ lâm vào tình trạng “ bên bờ vực thẳm” của một doanh nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra mà chính các chủ doanh nghiệp không mong muốn. Phá sản là giải pháp tốt để giúp các chủ doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng “ tiến thoái lưỡng nan” và cũng là giải pháp giúp các chủ nợ có thể thu hồi công nợ một cách hợp pháp, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
 
Luật phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2004 đã quy định tương đối chi tiết thủ tục phá sản doanh nghiệp. Trong đó, luật Phá sản quy định tại chương VIII về xử lý vi phạm có xác định

Điều 93.Trách nhiệm do vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản

1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. ” 
 

Cụ thể hoá quy định trên, Chính phủ dự thảo nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản”. Dự thảo gồm 5 chương với 36 Điều trong đó bao gồm các quy định chung, quy định về hành vi vi phạm , thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các điều khoản thi hành. Với những nội dung hiện có trong dự thảo, chúng tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
 
Một là, về nguyên tắc xử phạt . Bên cạnh những nguyên tắc căn bản phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (Điều 3,10,11,42 PLXLVPHC), Nghị định cần dựa trên nguyên tắc Bình đẳng trong việc chịu trách nhiệm hành chính. Nghĩa là mọi hành vi trái với quy định của Luật phá sản, cản trở quá trình thự hiện phá sản doanh nghiệp, gâát lợi cho doanh nghiệp, đều phải bị xử lý, cho dù đó là hành vi của cơ quan nhà nước, chủ nợ hay bản thân doanh nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và thể hiện tính nhất quán trong chủ trương về bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường. Theo tinh thần đó, trong phần quy định về hành vi vi phạm bị xử phạt cần bổ sung hành vi của doanh nghiệp nhà nước nếu không nộp đơn tuyên bố phá sản. Luật phá sản đã có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác khi quy định việc tuyên bố phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã là “Nghĩa vụ” còn với doanh nghiệp nhà nước đó là “quyền” (Xem Điều 15,16 luật phá sản). Do đó, chỉ xử phạt với doanh nghiệp(ngoài quốc doanh) và hợp tác xã  khi họ không nộp đơn phá sản theo quy định (Điều 9 Dự thảo), còn DNNN nếu không nộp đơn phá sản thì không xử phạt mặc dù tình trạng của hai loại chủ thể này như nhau. Việc không quy định trách nhiệm hành chính cho DNNN trong trương hợp trên càng thể hiện sự không bình đẳng doanh nghiệp.
 
Tham gia thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp và chủ nợ đều có các quyền và nghĩa vụ tố tụng tương ứng. Điều 19 Dự thảo quy định việc xử phạt đối với hành vi của “chủ doanh nghiệp, HTX  không tham gia hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng”, nhưng lại không quy định việc xử phạt đối với chủ nợ khi họ vắng mặt không có lý do chính đáng. Như vậy là không bình đẳng, bởi lẽ, hệ quả của việc chủ (đại diên) doanh nghiệp, HTX không đến tham dự  hội nghị chủ nợ là việc thanh lý tài sản theo Điều 79 Luật phá sản.[1] Và đó cũng là hệ quả của việc chủ nợ vắng mặt. Do đó, nếu chủ nợ cố tình vắng mặt cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục phá sản, phải bị xử phạt. Tương tự như vậy, nếu chủ nợ rút đơn sau khi toà án đãï thụ lý yêu cầu do yêu cầu không thoả đáng dẫn đến việc phải đình chỉ việc phá sản , gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì trách nhiệm hành chính có được xác định không và ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Chủ nợ hay Toà án?
 
Trong quá trình thự hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, có sự tham gia tích cực của cơ quan nhà nước, đặc biệt là toà án. Luật phá sản quy định cho doanh nghiệp phá sản, người yêu cầu phá sản rất nhiều nghĩa vụ khi tham gia thủ tục phá sản. Và gắn với các nghĩa vụ đó là việc phạt hành chính nếu vi phạm. Nếu cơ quan nhà nước, các cán bộ công chức của các cơ quan nhà nước đó có hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình phá sản có bị xử phạt không? Ví dụ, Điều 13 dự thảo quy định việc phạt với doanh nghiệp trong trường hợp đã có quyết định mở thủ tục phá sản. Giả sử, văn bản chấp thuận do toà án (thẩm phán) ban hành cho phép doanh nghiệp thực hiện những hành vi như quy địnht rong điều luật nói trên, mà quyềt định đó không có căn cứ hợp pháp thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp hay Toà án, và thẩm phán trong trường hợp đó có thể bị xử phạt hành chính không?
 
Hoặc dự thảo quy định tại Điều 11 về trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, mức phạt do vi phạm trong trường hợp này lên tới 20.000.000 đồng, cho thấy thái độ nghiêm khắc của nhà nước về hành vi gây thiệt hại về uy tín, danh dự của doanh nghiệp. Luật phá sản quy định tại Điều 20 về trách nhiệm của cơ quan thông báo doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản như sau “ cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó”. Nếu trong trừơng hợp cơ quan thông báo không đảm bảo được tính chính xác của thông báo và gây thiệt hại cho danh nghiệp, có phải chịu trách nhiệm hành chính như trường hợp quy định tại Điều 11 dự thảo hay không?
Cũng cần phải quy định việc xử phạt đối với chủ nợ không chấp hành quyết định của toà án (đối với việc công nhận Nghị quyết về phương án phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp phá sản). Bởi vì sự không chấp thuận đó của chủ nợ sẽ dẫn đến kéo dài khả năng phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp, gay thiệt hại cho doanh nghiệp và các chủ nợ khác.
 
Thứ hai , cơ sở để xác định mức phạt. Quy định mức phạt tối đa đối với 1 hành vi là không quá 20.000.000 đồng, phù hợp với quy định của Điều 14 PL xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cần phải có căn cứ  để xác định mức phạt cho phù hợp. Chẳng hạn quy định mức phạt trong Điều 10 và Điều 12 chênh lệch quá xa, trong khi tính chất hành vi cũng tương tự là không phù hợp. Quy định mức phạt tiền trong Dự thảo khiến cho quy định tại Điều 25 dự thảo trở nên không phù hợp. Vì các hành vi nếu được quy định áp dụng hình thức phạt tiền thì đếu từ 200.000 đồng trở lean , nên quy định thủ tục phạt đơn giản chỉ áp dụng với hình thức cảnh cáo, đoạn cuối của Điều 25 Dự thảo không cần thiết quy định.
 
Thứ ba , trong chương các quy định chung, cần có phần giải thích thuật ngữ, chẳng hạn: Đối tượng áp dụng bao gồm: chủ thể được quy định trong luật phá sản, cụ thể là…, ngoài ra còn ôos chủ thể khác…? Thời hạn, thời hiệu, hành vi gây khó khăn, cản trở… là những thuất ngữ cần được giải thích rõ để tiện áp dụng và áp dụng thống nhất.
Ngay cả quy định về “thời hạn” trong Điều 9 Dự thảo cũng rất khó xác định. Việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ là trái pháp luật nếu “quá 3 tháng kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản”. Như vậy việc xác định thời điểm nào thì coi là “nhận thấy” của doanh nghiệp để tính thời hạn bị xử phạt là không rõ ràng, cần phải có giải thích cụ thể.
 
Thứ 4, thẩm quyền xử phạt . Nghị định dự thảo xác định thẩm quyền cho hai loại cơ quan là toà án (thẩm phán) và UBND các cấp (chủ tịch) là phù hợp. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền cho các  cơ quan đó phải tính đến tương quan về tư cách của các chủ thể  với chức năng mà chủ thể đó đảm nhiệm.Chẳng hạn Điều 8 quy định về xử phạt với hành vi” cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn”- việc gây khó khăn đó có thể xảy ra từ phía toà án, vậy nếu quy định cho toà án có quyền xử phạt nhiều khi khó đảm bảo tính khách quan vô tư. Nên chăng quy định cho UBND thực hiện thẩm quyền xử phạt đối với hành vi trên.
 
Thứ 5, về thủ tục xử phạt , Điều 24 dự thảo quy định thủ tục đình chỉ hành vi vi phạm. Để đảm bảo nguyên tắc pháp chế XHCN, khi đình chỉ, phải thể hiện dưới hình thức văn bản, không nên quy định hình thức “ bằng lời nói”.
Cần có quy định cụ thể xác định cách tính thời hạn, thời hiệu, cách tính ngày trong xử phạt hành chính trong lĩnh vực  phá sản.
 
Trên nay là một số ý kiến đóng góp để cơ quan soạn thảo và chịu trách nhiệm ban hành văn bản tham khảo, đảm bảo cho văn bản có tính đồng bộ, ngang tầm với các văn bản khác về XPVPHC trong  lĩnh vực hẹp của các chuyên ngành.

 

--------------------------------------------------------------------------------------
[1]
Điều 79. Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản khi Hội nghị chủ nợ không thành trong những trường hợp sau đây:
1. Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng hoặc sau khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này;
2. Không đủ số chủ nợ quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này tham
gia Hội nghị chủ nợ sau khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc trường hợp quy định tại các điều 15, 16, 17 và 18 của Luật này.
 

Các văn bản liên quan