Góp ý dự thảo Luật Công chứng

Thứ Ba 02:16 09-05-2006

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG

Dự thảo Luật Công chứng được Chính phủ giới thiệu ngày 09/02/2006, hiện nay đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tháng 5/2006. Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Công chứng, tôi nhận thấy, Dự Luật đã được chuẩn bị tương đối kỹ, nhất trí với Ban soạn thảo về sự cần thiết ban hành Luật, bố cục, phạm vi điều chỉnh và các nội dung cơ bản của Dự Luật. Tuy nhiên, có một số vấn đề tôi muốn xin ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, áp dụng pháp luật nói riêng và nhân dân nói chung như sau:
 
1. Về nguyên tắc hành nghề công chứng
Dự luật quy đinh công chứng viên " chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về việc thực hiện công chứng" (Điều 3), tổ chức hành nghề công chứng "thực hiện việc bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng trong khi thực hiện việc công chứng trong trường hợp công chứng viên đó không còn khả năng bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng" (Khoản 5 Điều 29).

Tôi cho rằng các quy định này không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thậm chí mâu thuẫn với một số quy định khác của Dự Luật. Công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực hình sự (theo nguyên tắc cá thể hoá hình phạt), trong các lĩnh vực khác, cần xem xét trách nhiệm  của tổ chức hành nghề công chứng.
 
Trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại: Tổ chức hành nghề công chứng là pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng. Về nguyên tắc, tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra trong hoạt động công chứng (hành vi của cá nhân được coi là hành vi của pháp nhân trong trường hợp này), nếu công chứng viên có lỗi thì có trách nhiệm bồi hoàn lại cho tổ chức hành nghề công chứng. Việc quy định như Dự Luật không đảm bảo nguyên tắc bồi thường thiệt hại, trái với các quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra trong Bộ Luật Dân sự.

Hơn  nữa, quy định như trên đẩy người bị thiệt hại vào một quá trình tố tụng kéo dài, làm sao "họ" có thể chứng minh được công chứng viên đã ở trong hoàn cảnh "không còn khả năng bồi thường thiệt hại" để yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng bồi thường.

Vậy, xin ý kiến đóng góp của mọi người.
 
 
2. Về xã hội hoá công chứng
Tôi cho rằng Dự Luật chưa thể hiện được nguyên tắc xã hội hoá công chứng khi quy định một loạt các vấn đề : Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền bổ nhiệm công chứng viên, việc thành lập Văn phòng công chứng phụ thuộc vào quy hoạch (phụ thuộc ý chi) của UBND tỉnh .
         
Xin ý kiến nhận xét của mọi người.
 
 
3. Về nghề công chứng
Chúng tôi cho rằng, cần quan niệm công chứng cũng là một nghề, Dự Luật cần có những quy định: công chức có được hành nghề công chứng không ( nghiên cứu các đạo luật tương ứng sẽ dẫn đến là cấm trường hợp này), luật sư có được làm công chứng viên không (luật sư hiện nay đã được coi là một nghề).
         
Xin ý kiến đóng góp của mọi người.
 
 
4. Về đào tạo công chứng viên
Dự Luật quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chương trình và thời gian đào tạo nghề công chứng (Khoản 2 Điều 14).

Xin ý kiến đây có phải là lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp không? Các vấn đề quan trọng liên quan: đơn vị đứng ra đào tạo, học phí, mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Bộ Giáo dục trong lĩnh vực này nên như thế nào?
 

Các văn bản liên quan