Góp ý của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

Thứ Bảy 16:22 20-05-2006
Một số ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp

Nguyễn Võ Liễu
Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam


Nội dung của dự thảo đã bám sát những vấn đề của thực tiễn đòi hỏi nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta, phát triển nền kinh tế thị trường tự do kinh doanh theo định hướng XHCN.

Tuy nhiên, Dự thảo luật còn có một số vấn đề cần được làm rõ hơn.

1. Thời hạn kết thúc chuyển đổi công ty nhà nước (đang theo luật DNNN) sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần (theo Luật doanh nghiệp này) – không nên đưa vào Dự thảo luật, bởi khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì Luật DNNN mặc nhiên bị thay thế. Dự thảo đưa vào vấn đề “thời hạn” này sẽ tạo cơ hội cho DNNN chần chừ, kéo dài sự tồn tại của nó.

Thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành phía Nam các DNNN đã nhanh chóng chuyển thành công ty TNHH ngay sau khi Luật Công ty TNHH, Công ty cổ phần được ban hành và có hiệu lực (1991).

Dự thảo Luật này cần giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định lộ trình và giải pháp nhanh chóng chấm dứt hoạt động của các công ty nhà nước (theo Luật DNNN) để thực hiện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (Dự thảo này) từ sau ngày có hiệu lực.

2. Thừa nhận cá nhân có quyền (được) thành lập công ty TNHH một thành viên là phù hợp với tập quán kinh doanh của hộ gia đình người Việt Nam. Tài sản của DN và của gia đình đều thuộc sở hữu của chủ hộ. Điều này sẽ thúc đẩy các hộ đang hoạt động kinh doanh tự phát (không có ĐKKD) có điều kiện để hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Ví như các cửa hiệu kinh doanh tại gia, các hộ sắm ô tô kinh doanh vận tải (và kết hợp làm phương tiện cá nhân, gia đình).

3. Dự thảo luật đã sử dụng cụm từ “kinh doanh – đầu tư” dựa vào Điều 14, 15, 16, 17, 18, 20, 23, 24, 27 nhằm hợp thức thủ tục của 2 luật (Doanh nghiệp và Đầu tư) – Đề nghị nên nghiên cứu tách phần thủ tục đầu tư đưa vào Luật Đầu tư thì phần ở Luật Doanh nghiệp chỉ là thủ tục đăng ký kinh doanh mà thôi. Vì việc thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoàn toàn có thể chấp nhận thống nhất với thủ tục “Đăng ký” còn việc Đầu tư có thể tuỳ loại hình khác nhau (như Dự thảo Luật Đầu tư) – các thủ tục đầu tư cần có sự xem xét lựa chọn từ phía nhà đầu tư và Nhà nước. Còn thủ tục thành lập doanh nghiệp và kinh doanh là thuộc quyền lựa chọn của doanh nhân và chỉ cần đăng ký.

4. Thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh cần có Giấy chứng nhận ĐKKD là tài liệu xác lập vai trò pháp lý của tổ chức doanh nghiệp. Do đó cơ quan lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận ĐKKD (cũng gần như giấy khai sinh, giấy kết hôn) nên giao cho cơ quan tư pháp.

Nhà nước quản lý các chương trình dự án đầu tư phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy việc quản lý đầu tư, khuyến khích đầu tư... do cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư – phát triển đảm trách.

Hơn nữa, ở nước ta khá phổ biến hình thức ĐKKD không gắn với đầu tư và nhà đầu tư không tham gia kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp rồi, những năm sau có tích luỹ mới đầu tư. Vì vậy đưa cụm từ “kinh doanh – đầu tư” vào Luật Doanh nghiệp là không thích hợp.

Các văn bản liên quan