Giành thuận lợi về phía cơ quan quản lý NN?

Thứ Bảy 16:17 20-05-2006
Dự thảo Luật đầu tư (chung) và Luật doanh nghiệp (thống nhất) :

Giành thuận lợi về phía cơ quan quản lý nhà nước?

TTCN - Dù sửa đổi đến lần thứ 13, dự thảo Luật đầu tư chung và Luật doanh nghiệp thống nhất vẫn là mối lo của nhiều doanh nghiệp (DN).

Khi cả nước đang gấp rút chạy đua cho mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2005, khi mục tiêu kìm giữ sự gia tăng vật giá ở mức 6% đã thất bại thì dự thảo Luật đầu tư (chung) và Luật doanh nghiệp (thống nhất) chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội sắp tới được hi vọng sẽ là động lực phát huy tiềm lực của dân, giúp kinh tế đất nước năm 2006 khởi sắc.

Vì sao như vậy? TS Phương Hữu Việt, đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, phát biểu:

- Cả hai dự thảo đều chưa bao quát được nhu cầu của DN VN. Chưa bao quát được quá trình từ lúc thành lập DN đến giai đoạn phát triển và khả năng phá sản. Cũng chưa rõ Nhà nước sẽ giúp được DN những gì. Ưu điểm lớn nhất của dự luật là đã mở cửa cho tư nhân trong nước một số lĩnh vực độc quyền như xuất bản, truyền hình, vận tải hàng không, dầu khí... Đây là lĩnh vực cần vốn lớn, lợi nhuận cao, rất hấp dẫn. Nhưng rõ ràng dự thảo chưa có tính đột phá, dấu hiệu tư duy “quản lý cái không của mình” vẫn còn đeo đẳng.

Không có lợi cho cả Nhà nước và DN

* Nhiều DN cho rằng dự luật đầu tư và DN nếu được áp dụng có thể khiến phát sinh hàng trăm giấy phép con mới?

- Luật khuyến khích đầu tư hiện hành tuy còn hạn chế nhưng vẫn thông thoáng hơn dự thảo mới. Theo dự thảo này, hàng ngàn DN sẽ phải làm thêm nhiều công việc, tốn kém, dễ mất thời gian và cả cơ hội kinh doanh. Điều đáng nói là những công việc đó không đem lại lợi ích cho DN, cũng không đem lại lợi ích cho Nhà nước mà chỉ phát sinh tình trạng quan liêu, giấy tờ...

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định bãi bỏ 186 giấy phép con. Số còn lại khoảng 160 thì giao cho các bộ, ngành rà soát tự bãi bỏ hoặc chuyển thành điều kiện kinh doanh. Nhưng đến năm 2004, thực tế số giấy phép con đã tăng lên 246, đến tháng 6-2005 là 301! Trong đó, ngành ngân hàng có 34 giấy phép con, văn hóa thông tin 32, tài chính 31, đứng đầu là ngành nông nghiệp với con số 37! Có DN treo một biển quảng cáo mà phải chạy qua bốn cơ quan, xin bốn giấy phép mới treo nổi. Đó là thực trạng.

Tôi nghĩ thay vì thêm nhiều giấy phép con, Luật DN và đầu tư mới phải đề ra cơ chế thẩm định để làm rõ giấy phép con có thật sự cần thiết không, dựa trên căn cứ nào. Nếu không giải trình được thì dứt khoát không được ban hành. Luật cũng cần qui định các cơ quan cấp bộ, địa phương không được ban hành các văn bản hạn chế quyền kinh doanh của DN.

* Không chỉ tăng khả năng phát sinh giấy phép con, trong dự thảo Luật đầu tư qui định: bất kỳ dự án nào của DN có cổ phần nhà nước chi phối đều được coi như là dự án DN 100% vốn nhà nước?

- Qui định trên sẽ khiến hàng ngàn DN cổ phần hóa lại được coi như DN 100% vốn nhà nước. 20% có thể đã là tỉ lệ cổ phần chi phối. Về nguyên tắc, Nhà nước nên tôn trọng quyền tự do quyết định của nhà đầu tư. Một mục tiêu của cổ phần hóa là trao quyền tự chủ cho DN, giảm bớt can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước. Nếu trường hợp Nhà nước là chủ sở hữu từ 51% trở lên, thủ tục ra quyết định nên theo nguyên tắc khác, qui định ở một luật khác, luật này nếu có cũng chỉ nên qui định chung.

Ông có biết hiện bao nhiêu cơ quan có quyền thanh tra DN? Là một đại biểu Quốc hội, ông có đồng ý thêm một kiểu thanh tra mới: thanh tra đầu tư?

- Hiện bộ, ngành nào cũng có bộ phận thanh tra. Có hai quan điểm. Một là lực lượng thanh tra đó chỉ là thanh tra nội vụ, trong ngành, nhưng cũng có quan điểm họ được thanh tra lĩnh vực mình quản lý. Vì vậy DN có thể bị thanh tra tài chính, thanh tra môi trường, thanh tra lao động, xây dựng, cứu hỏa... “hỏi thăm”. Thêm một loại thanh tra, ngoài khả năng chồng chéo, cần phải đặt câu hỏi liệu có cần thiết không, có giải quyết được vấn đề gì không. DN đầu tư đúng qui hoạch, xây dựng đúng qui định là được, còn lại vì uy tín và sống còn của DN, họ sẽ tự tìm ra cách đúng nhất và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nếu có thanh tra đầu tư thì sau này có lĩnh vực nào mới lại sinh ra một kiểu thanh tra, ví như thanh tra viễn thông, thanh tra Internet...

- Tôi cũng không hiểu sẽ lấy đâu ra nhiều nhân lực để thẩm tra các dự án rồi cấp phép, thanh tra theo dự thảo. Rồi kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ có đủ không. Hai tư duy quản lý chặt và tạo thông thoáng cho DN, theo tôi, không thể gặp nhau trong một dự luật được. Trong khi các quan điểm làm luật của ta thường yếu ở khâu chế tài thì không nên qui định để rồi DN không thực hiện, hoặc thực hiện sai cũng không làm sao cả. Ví dụ như qui định DN khi thành lập, sau ba ngày phải đăng bố cáo trên báo. Anh nào thực hiện nghiêm thì tốn phí, anh nào không thực hiện thì hầu hết cũng không bị làm sao cả và thực tế có ít DN tuân thủ đúng qui định này.

* Gốc gác vấn đề của hai dự thảo luật bị DN phản ứng này theo ông nằm ở đâu? Ngay khi chúng được giao cho Bộ Kế hoạch - đầu tư soạn thảo, nhiều người đã lo ngại và kết quả y như rằng dự luật chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước.

- VN có qui trình làm luật riêng. Tại một số nước, dự luật được giao cho cơ quan lập pháp mà người đứng ra làm chính là các nghị sĩ quốc hội. Các nghị sĩ này sẽ tập hợp các công ty tư vấn, chuyên gia. Sau đó sẽ có qui trình phản biện. Hiện qui trình của chúng ta có đặc thù là các dự luật đều được giao về các bộ, ngành chủ quản soạn. Qui trình này cũng có mặt tích cực vì nó khá sát với thực tiễn. Nhưng đúng là khi các bộ, ngành soạn thảo thì đều không tránh khỏi tình trạng bảo vệ quyền lợi của cơ quan chủ quản hoặc tạo dễ dàng cho hoạt động quản lý của mình. Luật đầu tư (chung) và Luật DN (thống nhất) lần này không nằm ngoài cái chung đó. Rõ ràng luật vẫn không đứng về phía người dân, DN. Nó vẫn đứng về phía các nhà quản lý, để làm sao quản lý được DN một cách tối ưu, trong khi DN có vai trò quyết định trong tăng trưởng kinh tế.

* Chưa nói chất lượng chung, chỉ đem so hai dự luật, dù cùng Bộ Kế hoạch -đầu tư soạn thảo nhưng đã thấy có điểm rất vênh nhau?

- Nhiều người nói Luật đầu tư và Luật DN là hai mặt của vấn đề. Nhưng đúng là trong dự thảo hai luật này có chỗ vênh nhau. Như Luật DN thừa nhận quyền tự quyết của DN trong công tác tổ chức, lương, khen thưởng cũng như đưa ra các quyết định kinh doanh, thì dự thảo Luật đầu tư lại đưa hàng loạt qui trình để DN xin chấp thuận khiến nhiều người lo ngại những thông thoáng của Luật DN chưa phát huy tác dụng đã bị Luật đầu tư “vô hiệu hóa”.

* Ông có kiến nghị gì?

- Ở Luật đầu tư, tôi yêu cầu mấy điểm chính: 1. Thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh; 2. Không đặt thêm những qui định, thủ tục có tính áp đặt hoặc đã bị bãi bỏ trước đây để các cơ quan quản lý giành thuận lợi về mình, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước; 3. Bỏ giấy phép ưu đãi đầu tư, chuyển từ tiền ưu đãi sang hậu ưu đãi. Thay vì phải chạy nhiều cửa để được ưu đãi, nên để DN lấy kết quả thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh đem đến một cơ quan. Đủ tiêu chuẩn là được ưu đãi ngay. Đó là những cách hạn chế sự lạm dụng quyền hành để cản trở hoặc muốn phục hồi cơ chế xin cho của một số cơ quan quyền lực nhà nước.

Dự luật đầu tư chung muốn tăng thêm giấy phép con, nhưng tôi thấy chủ trương của Nhà nước ta đã rất rõ ràng là bỏ càng nhiều giấy phép càng tốt. Còn vai trò của DN cũng đã được nhận thức đúng. Quan điểm chỉ đạo của Nhà nước ta luôn tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động đúng pháp luật chứ tôi chưa hề nghe có tư tưởng tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Tuổi trẻ Chủ nhật, số ra ngày 10/9/2005

Các văn bản liên quan