VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn

Thứ Năm 16:14 06-12-2018

Trả lời Công văn số 2602/TY-KD của Cục Thú y về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Về sửa đổi khoản 1, khoản 3, khoản 4 Phần II Phụ lục I Thông tư 24 (khoản 7 Điều 1 Dự thảo)

Dự thảo đưa ra hai phương án về các sản phẩm động vật phải kiểm dịch, theo đó:

  • Phương án 1: tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (Thịt, sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật; Sữa và các sản phẩm từ sữa; Trứng và các sản phẩm từ trứng của động vật trên cạn) đều phải kiểm dịch, không phân biệt các sản phẩm trên đã qua chế biến hay chưa;
  • Phương án 2: Bỏ kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong đã qua chế biến

Hai phương án này khác nhau ở phạm vi các sản phẩm phải kiểm dịch, theo đó phạm vi trong phương án 1 rộng hơn, bao trùm phạm vi phương án 2.

Việc lựa chọn phương án nào (tương ứng với việc lựa chọn phạm vi rộng hay hẹp) cần căn cứ vào ít nhất 2 yếu tố: Tính pháp lý (các văn bản pháp luật cấp trên có quy định gì hay giới hạn nào về việc lựa chọn phạm vi) và Tính hợp lý (đối tượng nào cần thiết phải kiểm dịch).

(1) Từ góc độ tính pháp lý, theo giải trình của Ban soạn thảo thì Phương án 1 là “phù hợp với Luật thú y (Điều 37, 41, 42, 46)”, còn Phương án 2 là “không phù hợp với Luật thú y”.

Giải trình này của Ban soạn thảo dường như không chính xác bởi:

  • Về mặt nội dung, Luật thú y 2017 không quy định phạm vi các loại động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam mà chỉ trao quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vấn đề này. Như vậy, Thông tư này dù lựa chọn phương án 1 hay phương án 2 đều sẽ không trái với quy định của Luật thú y (bởi Thông tư là văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, phù hợp với quy định của Luật thú y về vấn đề này). Trong trường hợp cụ thể này, cả hai phương án nêu ra đều phù hợp với Luật Thú ý. Thậm chí nếu có các phương án khác (với mức độ rộng, hẹp khác nhau về phạm vi các đối tượng phải kiểm dịch) thì cũng đều phù hợp với Luật thú y;
  • Về mặt logic, nếu đã xác định là không phù hợp với Luật thú y thì sẽ không thể trở thành phương án để lựa chọn.

Từ lập luận nêu trên, có thể thấy việc xác định phạm vi các đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch nói chung và việc lựa chọn giữa phương án 1 và 2 nói riêng đều thuần túy xuất phát từ tính hợp lý trong lựa chọn.

(2) Từ góc độ tính hợp lý, một số vấn đề sau cần được xem xét:

  • Về thông lệ quốc tế liên quan tới kiểm dịch các sản phẩm động vật trên cạn đã qua chế biến sử dụng làm thực phẩm:

Theo giải trình của Ban soạn thảo thì hiện nay các nước trên thế giới đang kiểm soát rất nghiêm ngặt các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật xuất khẩu từ Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để thúc đẩy các hoạt động để các sản phẩm từ Việt Nam có thể xuất sang được các thị trường như EU, Nhật Bản, do đó, việc lựa chọn theo phương án 2 – tức là bỏ việc kiểm dịch, kiểm soát các sản phẩm thịt, sữa, trứng chế biến từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam dường là chưa tương xứng với các biện pháp mà các nước khác đang áp dụng đối với thực phẩm từ Việt Nam.

Lập luận này của Ban soạn thảo có lẽ là chưa thật đầy đủ và thuyết phục, ít nhất vì các lý do sau:

  • Thứ nhất, hàng rào khắt khe về việc xem xét cho phép nhập khẩu một loại sản phẩm từ một nước xuất xứ (thường gọi là thủ tục phân tích rủi ro và công nhận nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm nhất định – thủ tục phân tích nguy cơ đối với sản phẩm nhập khẩu) là quy trình riêng, độc lập với quy trình kiểm dịch đối với từng lô hàng nhập khẩu. Trên thực tế, Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc … có yêu cầu và thủ tục phân tích rủi ro và công nhận rất khắt khe (ngay cả Việt Nam cũng có quy định về thủ tục này – Điều 43 Luật Thú y). Tuy nhiên, sau khi đã công nhận, các nước này có tiến hành “kiểm dịch động vật” đối với tất cả các sản phẩm này (tương tự với quy định tại Thông tư này) hay không? Làm rõ thực tế này mới có thể so sánh với thủ tục mà Thông tư này đang đề cập.
  • Thứ hai, yêu cầu về việc hàng hóa xuất khẩu phải có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu (thường gọi là thủ tục kiểm dịch trước khi xuất hàng) cũng là quy trình riêng, độc lập với quy trình kiểm dịch đối với từng lô hàng nhập khẩu thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu khi hàng tới cảng nhập.

Trên thực tế, không chỉ các nước có quy định về thủ tục kiểm dịch trước khi xuất hàng, ngay cả Việt Nam cũng có quy định này. Cụ thể, theo quy định tại Luật thú y thì điều kiện để sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có “Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam”, tức là qua vòng kiểm dịch tại nước xuất khẩu.

Vậy không rõ với các nước khác thì đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được kiểm dịch tại nước xuất khẩu khi tới cảng nhập tất cả có phải trải qua vòng kiểm dịch lại bởi cơ quan nước nhập khẩu không? Hay chỉ một số sản phẩm nguy cơ cao mới phải kiểm dịch lại?

  • Thứ ba, các ví dụ được Ban soạn thảo nêu đều là các thị trường nhập khẩu có đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm (như EU, Nhật Bản). Tiêu chuẩn cao thường gắn với quy trình kiểm soát chặt, đặc biệt là đối với hàng hóa từ các thị trường có tiêu chuẩn thấp hơn như Việt Nam. Do đó, ngay cả khi các nước này có yêu cầu kiểm dịch đối với tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu ở Việt Nam thì việc so sánh và đề nghị áp dụng thủ tục kiểm dịch khắt khe tương đương với các nước này ở Việt Nam cũng là không thực sự thuyết phục.

Trong khi đó, phạm vi và quy trình về thủ tục kiểm dịch sản phẩm nguồn gốc động vật ở các thị trường có trình độ phát triển và mức độ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh dịch tễ tương tự Việt Nam lại chưa được phân tích, so sánh.

Từ các lý do trên, có thể thấy các thông lệ quốc tế mà Ban soạn thảo đề cập là chưa phù hợp, chưa cho phép đánh giá phương án 1 hay phương án 2 là tương đương với thế giới về vấn đề này.

  • Về mức độ rủi ro của các sản phẩm cần kiểm dịch là cơ sở để xác định phạm vi các sản phẩm có mức rủi ro cao, cần thiết phải kiểm dịch:

Ban soạn thảo có giải trình theo đó việc lựa chọn phương án 1 sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật xâm nhập Việt Nam (với suy đoán là theo phương án 2, với diện đối tượng kiểm dịch hẹp hơn, thì nguy cơ bệnh dịch sẽ cao hơn).

Tuy nhiên, suy đoán này dường như là không thuyết phục bởi:

  • Thứ nhất, Ban soạn thảo chưa đưa ra được các số liệu về mức độ vi phạm của các hàng hóa nhập khẩu được loại bỏ khỏi diện kiểm dịch theo phương án 2. Giải trình của Ban soạn thảo chưa cho thông tin về kết quả hoạt đông kiểm dịch thực phẩm có nguồn gốc từ động vật trên cạn của nước ta thời gian qua: có phát hiện ra những loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm đã qua chế biến (được xử lý nhiệt hoặc hóa chất) không? Nếu có thì tỷ lệ là bao nhiêu? Trong khi đó, theo thông tin từ các doanh nghiệp, tỷ lệ các sản phẩm nhóm này bị phát hiện có nguy cơ và bị loại bỏ sau khi kiểm dịch trong thời gian qua là thấp. Nói cách khác, thực tế cho thấy các sản phẩm này ít có nguy cơ về bệnh dịch. Nếu nguy cơ quá thấp thì việc duy trì thủ tục kiểm dịch với nhóm này sẽ là một sự lãng phí vô cùng lớn từ cả bộ máy Nhà nước lẫn chi phí thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.
  • Thứ hai, Ban soạn thảo đề cập tới các nguy cơ từ các vùng dịch, từ đó nhận định việc kiểm dịch theo phương án 1 là cần thiết để giảm thiểu các nguy cơ này. Tuy nhiên, trên thưc tế, pháp luật thú y đã có dự liệu về quy trình riêng áp dụng đối với việc kiểm dịch đặc biệt đối với hàng hóa xuất xứ từ các vùng dịch (Mục 2 Chương II Luật thú y.). Do vậy, việc kiểm dịch trong Thông tư này (kiểm dịch thông thường) suy đoán là chỉ áp dụng cho các trường hợp thông thường. Và ở góc độ này thì số liệu về tỷ lệ vi phạm phát hiện được là có ý nghĩa hơn.
  • Thứ ba, việc xác định phương án 1 hay 2 là dựa trên nguy cơ vi phạm cao hay thấp. Trong khi đó, bản thân Dự thảo cũng đã bổ sung các khái niệm về “sản phẩm động vật có nguy cơ cao” và “sản phẩm động vật có nguy cơ thấp” (bổ sung khoản 5, 6 Điều 2 Thông tư 25), trong đó các sản phẩm không ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh, sơ chế, thức ăn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật và đã được xử lý nhiệt hoặc hóa chất xếp vào loại “sản phẩm động vật có nguy cơ thấp”. Như vậy, ngay chính trong Dự thảo cũng xác định đây là các sản phẩm có nguy cơ thấp, do đó áp dụng biện pháp kiểm dịch tương ứng với các sản phẩm có nguy cơ cao dường như chưa hợp lý.

Trên cơ sở phân tích ở trên, VCCI cho rằng trong so sánh với phương án 1 và 2, phương án 2 là phù hợp hơn, cả từ góc độ rủi ro thấp, và từ khía cạnh tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước và chi phí của doanh nghiệp, xã hội.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (phiên bản tháng 9). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng.