Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 về hồ sơ bổ sung nội dung hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa vào Giấy phép.

Thứ Năm 17:44 31-08-2017

Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 2019/TTGSNH6 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam về hồ sơ bổ sung nội dung hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa vào Giấy phép (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo là thống nhất với các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, liên quan tới quy định về cam kết trong Đơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại vấn đề sau:

Điều 2 Dự thảo yêu cầu Đơn đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phải có các nội dung cam kết về:

  • tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • đảm bảo tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…;
  • không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong năm liền kề năm nộp hồ sơ cho đến thời điểm nộp hồ sơ hoặc đang trong thời gian khắc phục hậu quả.

Yêu cầu doanh nghiệp phải có các nội dung cam kết trên trong Giấy đề nghị là không cần thiết bởi vì:

  • Các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ là quy định cứng, bắt buộc tuân thủ bởi tất cả các doanh nghiệp. Do đó, dù doanh nghiệp có cam kết hay không thì cũng có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. Việc doanh nghiệp có hay không có cam kết về việc tuân thủ các quy định này không làm giảm nhẹ hay tăng thêm trách nhiệm của doanh nghiệp nếu có vi phạm, cũng không có tác dụng trong việc ngăn ngừa vi phạm. Vì vậy, cam kết này trong Đơn là không cần thiết;
  • Thông tư 40/2016/TT-NHNN và các văn bản pháp luật liên quan không có bất kỳ quy định nào về việc không cấp phép bổ sung nội dung hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa nếu vi phạm các quy định về giới hạn, tỷ lệ an toàn hay tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ hoặc nếu bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nói cách khác, các yếu tố này không phải là căn cứ để từ chối cấp phép bổ sung các hoạt động này (nếu các doanh nghiệp có rơi vào các trường hợp này thì sẽ bị xử lý/xử phạt cho hành vi vi phạm mà thôi). Vì vậy, không có căn cứ để buộc doanh nghiệp phải đưa ra các cam kết này trong Đơn, càng không có căn cứ để từ chối không cấp phép bổ sung hoạt động nếu doanh nghiệp không có hoặc không thể cam kết (ví dụ trường hợp doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm hành chính trong năm liền tước);?
  • Ngay cả khi các yêu cầu cam kết là có căn cứ và cần thiết thì quy định này vẫn có điểm chưa rõ ràng. Ví dụ cam kết bảo đảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ: nếu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyết định về một tỷ lệ khác với tỷ lệ 3% thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn giữa hai tỷ lệ này không?.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các nội dung cam kết trên trong Đơn đề nghị cấp bổ sung nội dung hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa vào Giấy phép.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 40/2011/TT-NHNN. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.