VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

Thứ Ba 15:25 17-07-2018

Kính gửi: Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trả lời Công văn số 2726/BGDĐT-VP của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Trong quá trình xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (sau đây gọi tắt là Phương án), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với VCCI triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Phương án. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội được tổng hợp qua VCCI đã được Quý Bộ tiếp thu, điều này thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc của Quý Bộ trong hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần này.

Để đảm bảo tinh thần cải cách thể hiện một cách triệt để, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định về hồ sơ, thủ tục với các quy định về điều kiện

Dự thảo có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến điều kiện kinh doanh, điều này dẫn tới sự thay đổi của các quy định về hồ sơ, thủ tục có liên quan. Việc điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa hai dạng quy định này – như quan điểm, nguyên tắc xây dựng Nghị định, là hợp lý.

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã điều chỉnh các quy định về thủ tục tương ứng với các điều chỉnh về các điều kiện có liên quan, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chưa thực sự đảm bảo được nguyên tắc này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, ví dụ:

Các điều chỉnh về điều kiện thành lập trường

Một trong những điểm nổi bật trong Phương án và Dự thảo đó là bỏ các điều kiện thành lập trường ở một số cấp học. Việc cắt giảm này thể hiện tinh thần cải cách và cầu thị từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo, dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy các điều kiện về thành lập trường đã được bãi bỏ nhưng các quy định liên quan lại chưa được điều chỉnh tương ứng.

Ví dụ: Dự thảo bỏ toàn bộ Điều 3 Nghị định 46, có nghĩa toàn bộ điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục sẽ được bãi bỏ. Trong quy định về điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục (Điều 5 Nghị định 46) đã bỏ điều kiện “Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

Nhưng quy định về thủ tục thành lập các loại trường này thì vẫn giữ (Điều 4 Nghị định 46). Điều này là chưa hợp lý, bởi:

  • Điều 4 Nghị định 46 là quy định về trình tự thủ tục để nhà đầu tư có được Quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về mặt nguyên tắc, thủ tục này phải dựa vào các điều kiện thành lập và các điều kiện thành lập là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và cấp phép. Điều kiện thành lập cũng như giấy phép đã được bãi bỏ, thì việc giữ lại thủ tục này là chưa phù hợp.
  • Khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 46 về nội dung của Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này là chưa đảm bảo tính thống nhất, bởi Điều 3 Nghị định 46 đã được bãi bỏ, các điều kiện liên quan đến Đề án đã không còn nữa, như vậy thì Dự thảo quy định chi tiết nội dung của Đề án là chưa nhất quán về quan điểm sửa đổi trong Dự thảo.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ toàn bộ Điều 4 Nghị định 46 thay vì sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 4 như quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo.

Góp ý tương tự đề nghị bỏ thêm các quy định tại Nghị định 46: Điều 16, Điều 26, Điều 42, Điều 47, Điều 56, Điều 61, Điều 68, Điều 73; Điều 98 đồng thời bỏ  các quy định tại khoản 3, 7, 16 Điều 1 Dự thảo.

  1. Về trung tâm ngoại ngữ, tin học
    a. Về tính thống nhất

Dự thảo đã bỏ quy định tại Điều 46 Nghị định 46 về điều kiện thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học, nhưng các quy định liên quan đến việc bãi bỏ này lại chưa được điều chỉnh tương ứng, điều này tạo ra sự thiếu thống nhất giữa các quy định trong một văn bản, ví dụ:

  • Điều 47 Nghị định 46 về thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học vẫn được giữ nguyên, trong khi các điều kiện thành lập đã được bãi bỏ
  • Quy định về hồ sơ để trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục vẫn còn yêu cầu các loại tài liệu “Quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp” (điểm b khoản 2 Điều 49 Nghị định 46) trong khi đó điều kiện về thành lập thì đã được bãi bỏ;
  • Các loại tài liệu trong hồ sơ xin phép hoạt động yêu cầu các loại giấy tờ như “các quy định về học phí, lệ phí” (điểm g khoản 2 Điều 49 Nghị định 46), “chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học” (điểm h khoản 2 Điều 49 Nghị định 46) là chưa tương thích với các điều kiện để được hoạt động của trung tâm này quy định tại Điều 48 Nghị định 46.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ Điều 47, điểm b, g, h khoản 2 Điều 49 Nghị định 46.

          b. Về điều kiện sửa đổi, bổ sung

Khoản 12 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điều kiện để trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động giáo dục (sửa đổi Điều 48 Nghị định 46) trong đó có quy định về điều kiện nhân sự: “kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm”.

Kế toán, thủ quỹ không phải là nhân sự đặc thù của trung tâm ngoại ngữ, tin học mà có thể có ở bất kì doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, các nhân sự này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của trung tâm. Còn nếu mục đích của quy định nhằm hướng tới việc đảm bảo hoạt động của trung tâm thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về điều kiện liên quan đến kế toán, thủ quỹ, tức là bỏ cụm từ “kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm” tại khoản 1 Điều 48 (sửa đổi).

  1. Về điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục

Theo quy định tại Điều 99 Nghị định 46 thì doanh nghiệp thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục phải đáp ứng điều kiện:

  • Có số vốn tối thiểu 02 tỷ đồng để triển khai các hoạt động (khoản 3)
  • Có ít nhất 10 kiểm định viên đã được cấp thẻ kiểm định viên và làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (khoản 4)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các điều kiện trên ở các điểm:

  • Về điều kiện về vốn:

Yêu cầu về vốn pháp định thường áp dụng đối với những ngành, nghề mà yếu tố vốn tác động trực tiếp đến các lợi ích công cộng quan trọng, theo diện rộng, ví dụ như: ngân hàng (“tiền” là sản phẩm giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng và đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như sự ổn định của kinh tế – xã hội). Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không có tính chất của ngành nghề có yêu cầu về vốn trên, vì vậy yêu cầu phải có vốn pháp định là chưa phù hợp.

Nếu mục tiêu của quy định nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, thì đây là mục tiêu chưa phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh (Nhà nước chỉ can thiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp bằng điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng). Yếu tố doanh nghiệp có hoạt động được hay không, hoạt động hiệu quả hay không, là vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên/không cần phải can thiệp.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định bỏ quy định khoản 3 Điều 99 Nghị định 46.

  • Về điều kiện nhân sự:

Yêu cầu phải có ít nhất 10 kiểm định viên đã được cấp thẻ kiểm định viên và làm việc toàn thời gian là điều kiện khá khắt khe đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Yếu tố cần kiểm soát đối với hoạt động kiểm định đó chính là chất lượng của sản phẩm kiểm định. Điều này có thể kiểm soát qua quy chuẩn kỹ thuật hoặc các ràng buộc khi thực hiện kiểm định. Doanh nghiệp có thể thuê kiểm định viên để thực hiện hoạt động kiểm định và chịu trách nhiệm đối với hoạt động này. Do đó yêu cầu cứng phải có số lượng tối thiểu kiểm định viên như tại khoản 4 Điều 99 Nghị định 46 cần phải xem xét, đánh giá lại.

Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về căn cứ để yêu cầu số lượng tối thiểu kiểm định viên trên, trong trường hợp giải trình chưa thuyết phục, đề nghị giảm số lượng kiểm định viên xuống.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này..

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.