VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử

Thứ Ba 15:34 24-05-2022

Kính gửi: Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 181/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia cuộc họp thẩm định đối với Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (phiên bản thẩm định) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Tính thống nhất với Luật Đầu tư 2020

Theo quy định tại Dự thảo, dịch vụ định danh điện tử do cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử cung cấp. Như vậy, định danh điện tử đang được xây dựng như một dịch vụ công, do cơ quan nhà nước thực hiện, không phải là ngành nghề kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 23 và Điều 26 Dự thảo, chủ thể thực hiện xác thực điện tử là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Quy định trên cần được xem xét ở một số điểm sau:

  • Tính thống nhất với Luật Đầu tư 2020

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” là một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dịch vụ định danh và xác thực điện tử là một ngành nghề kinh doanh. Vì vậy, việc quy định “định danh điện tử” như là một dịch vụ công, do Nhà nước cung cấp cần được xem xét lại.

Hơn nữa, việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một ngành nghề kinh doanh là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.

  • Tính hợp lý

Việc Nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện một ngành nghề kinh doanh sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể khi cùng cung cấp một loại dịch vụ (từ điều kiện hoạt động đến cơ chế quản lý). Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ rất khó để hoạt động và phát triển.

Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ về những vấn đề được nêu trên.

  1. Phạm vi điều chỉnh

          Dự thảo quy định về “Danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử” (Điều 1) áp dụng đối với “cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến định danh và xác thực điện tử” (Điều 2). Tài khoản định danh điện tử được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự, sẽ thay thế các giấy tờ tương đương phải xuất trình khi thực hiện các hoạt động này (Điều 14).

Hiện nay, ở một số lĩnh vực, ví dụ như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ đã thực hiện các biện pháp tự xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử và áp dụng theo quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng[1]. Vấn đề đặt ra cần làm rõ là: các tổ chức cung cấp dịch vụ tự thực hiện các biện pháp xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử mà không sử dụng tài khoản định danh điện tử theo quy định tại Nghị định này thì có được phép không? Các giao dịch này có phải thực hiện định danh điện tử theo quy định tại Nghị định này hay không?

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo thì khoản 2 Điều 43 Dự thảo đã loại trừ phạm vi điều chỉnh đối với những tài khoản đã được tạo lập bởi các tổ chức, doanh nghiệp khác thực hiện. Tuy nhiên, cách thức thiết kế quy định như tại Dự thảo vẫn chưa làm rõ được điều này.

Để đảm bảo tính minh bạch và tránh những rủi ro pháp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo này (đối với những giao dịch dân sự do một trong các bên thực hiện định danh điện tử sẽ không phải thực hiện theo quy định của Nghị định này).

  1. Xác định mức độ của tài khoản định danh điện tử (Điều 13)

Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định về hai mức độ (1 và 2) của tài khoản định danh điện tử của tổ chức. Cả hai mức độ này đều có các thông tin giống nhau; trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử của tổ chức chỉ khác ở cách thức thực hiện đăng ký (mức độ 1: thực hiện qua ứng dụng VNeID; mức độ 2: đến trực tiếp công an xã), các thông tin cung cấp, phương thức trả kết quả là giống nhau.

Như vậy, không rõ mức độ 1 và mức độ 2 của tài khoản định danh điện tử của tổ chức khác nhau ở điểm nào? Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ về vấn đề này.

  1. Không gian để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử hoạt động

“Dịch vụ xác thực điện tử” đang được xác định là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường này phải đáp ứng điều kiện và phải được cấp giấy phép kinh doanh. Việc kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo cơ chế này là phù hợp. Tuy nhiên, cần đánh giá, xem xét các điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận, gia nhập thị trường có thuận lợi khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này không. Trên cơ sở rà soát nội dung có liên quan tại Dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

a, Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử (Điều 28)

Một trong những điều kiện để được cung cấp dịch vụ xác thực điện tử là phải ký quỹ không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam số tiền 5.000.000.000 đồng (năm tỷ đồng).

Khoản tiền ký quỹ này nhằm “để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ do lỗi của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử” và “thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử trong trường hợp bị thu hồi giấy phép”.

Như vậy, mục tiêu của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và duy trì xác thực điện tử của khách hàng trong trường hợp doanh nghiệp không còn tồn tại. Dự thảo không yêu cầu cá nhân chỉ được sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, vì vậy trong trường hợp doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ không còn tồn tại thì các cá nhân có thể sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức khác trên thị trường, do đó việc xác thực điện tử của cá nhân đó vẫn sẽ thực hiện được. Một vấn đề nữa, tài khoản định danh điện tử do cơ quan nhà nước cung cấp. Doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Vì vậy, nếu có xảy ra rủi ro như phá sản, giải thể doanh nghiệp thì tài khoản định danh điện tử vẫn còn, khách hàng chỉ cần thực hiện xác thực ở chủ thể khác.

Còn thiệt hại do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gây ra cho khách hàng thì có thể có cơ chế giải quyết tranh chấp của pháp luật dân sự điều chỉnh. Mặt khác, giá trị 5.000.000.000 đồng liệu rất khó để định lượng là phù hợp (thừa, thiếu, đủ) nếu so với các thiệt hại của khách hàng hay không?

Từ những phân tích này, có thể thấy quy định về điều kiện tài chính tại Dự thảo dường như chưa phù hợp với tính chất của quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020. Đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này.

b, Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ xác thực điện tử (Điều 29)

Đề nghị xem xét các vấn đề sau:

  • Trong trình tự thủ tục cấp giấy phép, cơ quan cấp phép sẽ hỏi xin ý kiến của các cơ quan liên quan. Không rõ vấn đề xin ý kiến là vấn đề gì? Cơ quan liên quan là cơ quan nào? Cơ quan liên quan sẽ dựa vào căn cứ nào để trả lời các vấn đề cấp phép hay không cấp phép cho doanh nghiệp. Đề nghị cân nhắc bỏ bước thủ tục này để đơn giản hóa quy trình cấp phép;
  • Thời hạn cấp giấy phép là 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này là khá dài. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thay đổi quy trình thẩm định, chỉ cần thẩm định hồ sơ, không kiểm tra thực tế đồng thời xem xét rút ngắn thời gian cấp phép để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

c, Cấp lại, gia hạn, thay đổi Giấy phép cung cấp dịch vụ xác thực điện tử (Điều 30)

  • Đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết cấp lại giấy phép trong trường hợp bị mất, bị hư hỏng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, vì hồ sơ thẩm định rất đơn giản;
  • Khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định “tổ chức, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử được gia hạn Giấy phép cung cấp dịch vụ xác thực điện tử với thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 03 năm”. Như vậy, điều kiện gia hạn là “không vi phạm các quy định về định danh và xác thực điện tử”. Tuy nhiên, trong hồ sơ xin gia hạn doanh nghiệp lại phải cung cấp “báo cáo hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp trong 02 năm gần nhất” là chưa hợp lý. Bởi vì tài liệu này không thể hiện điều kiện được gia hạn và điều kiện đó cơ quan cấp phép có thể tra cứu trong hệ thống thông tin về quản lý nhà nước.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý đề nghị bỏ yêu cầu phải cung cấp báo cáo hoạt động trong hồ sơ xin gia hạn này.

d, Xác thực đối với các tài khoản được tạo lập trước ngày 31/12/2023

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo thì khi sử dụng tài khoản được Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh tạo lập trước thời gian 31/12/2023 muốn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử phải “được xác thực bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử xác thực”.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử tại sao lại không được thực hiện xác thực các tài khoản này, trong khi doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện để thực hiện xác thực? Việc giới hạn về chủ thể xác thực tài khoản định danh điện tử trong trường hợp trên sẽ gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử khi mất đi một lượng khách hàng đáng kể.

Đề nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 14 Dự thảo theo hướng các tài khoản được Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh tạo lập trước thời gian 31/12/2023 muốn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử sẽ được xác thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử.

e, Kết nối với hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước

Một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử có thể hoạt động được đó chính là phải kết nối với hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước để có được thông tin phục vụ cho hoạt động xác thực điện tử. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định nào rõ ràng về vấn đề này. Trong khi đó khoản 4 Điều 34 Dự thảo quy định “tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử trả phí khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành”.

Đề nghị quy định rõ về việc kết nối của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

  1. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam (Điều 15)
  • Đối với đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Khoản 2 Điều 15 Dự thảo thiết kế thủ tục theo hướng công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Trường hợp chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử thì “đến nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử”. Quy định này cần được cân nhắc, xem xét ở các điểm sau:

  • Trên thực tế không phải công dân nào cũng có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hiện nay thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử và chưa gắn chíp điện tử đều đang có giá trị sử dụng. Việc yêu cầu phải có thẻ Căn cước công dân gắn chíp mới thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 dường như chưa hợp lý, vì vừa tạo ra thủ tục phức tạp (khi phải thực hiện hai thủ tục cấp thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh) vừa chưa phù hợp (vì mục đích xuất trình thẻ căn cước công dân trong trường hợp này để xác định thông tin chính xác của người đăng ký. Thông tin này thì thẻ Căn cước công dân không gắn chíp cũng đã đủ xác nhận);
  • Chưa rõ ràng: không rõ việc thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử là kết hợp (cấp Căn cước công dân đồng thời với cấp tài khoản định danh điện tử) hay là hai thủ tục tách rời (thực hiện thủ tục để được cấp Căn cước công dân xong rồi mới thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử).

Từ những phân tích trên, đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 15 Dự thảo theo hướng công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ hai chỉ cần có thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

  • Các bước đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Dự thảo thì một trong các bước đăng ký tài khoản là “chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục”. Đề nghị cân nhắc quy định này bởi vì, cơ quan cấp tài khoản định danh điện tử mức độ hai cũng chính là cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân. Khi cấp thẻ Căn cước công dân các thông tin như ảnh chân dung, vân tay của công dân cơ quan cấp đã có. Như vậy, không cần thiết phải lặp lại thủ tục này trong khi cơ quan cấp có thể lấy thông tin trong hệ thống dữ liệu của mình.

Để giảm thiểu thủ tục, đề nghị bỏ bước 2 trong quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

  1. Khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử (Điều 20)

Điểm a khoản 1 Điều 20 Dự thảo quy định trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền có yêu cầu thì sẽ khóa tài khoản định danh điện tử. Quy định này chưa rõ trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử? Đây là quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể có tài khoản định danh điện tử vì vậy cần phải quy định rõ ràng, cụ thể.

Đồng thời bổ sung quy định, trong trường hợp khóa tài khoản định danh điện tử phải báo cho chủ thể của tài khoản định danh điện tử.

  1. Ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ (Điều 33)

Khoản 2 Điều 33 Dự thảo quy định: “tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ do lỗi của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử”. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ trường hợp rủi ro xảy ra thì trình tự thủ tục để doanh nghiệp lấy tiền ký quỹ như thế nào? Trường hợp thừa hoặc thiếu số tiền bồi thường so với số tiền ký quỹ thì giải quyết ra sao? Sau khi bồi thường thì việc bổ sung lại khoản tiền ký quỹ như thế nào? Đề nghị quy định rõ để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng.

Khoản 3 Điều 33 Dự thảo quy định tiền ký quỹ dùng để thanh toán chi phí tiêp snhaanj, duy trì cơ sở dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử trong trường hợp bị thu hồi giấy phép. Nhưng Dự thảo không có quy định về việc tiếp nhận, duy trì cơ sở dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử bị thu hồi giấy phép như thế nào? Đề nghị quy định rõ vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Thông tư 17/2021/TT-NHNN và Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng xác thực khách hàng qua khuôn mặt, giọng nói, mống mắt để phát hành và mở tài khoản; Thông tư 87/2021/TT-BTC cho phép xác thực bằng sinh trắc học (không giới hạn là vân tay) để xác thực các bên tham gia hợp đồng điện tử trong hoạt động kho bạc nhà nước; Thông tư 19/2011/TT-BTC; Nghị định 165/2018/NĐ-CP …