VCCI góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương

Thứ Tư 13:47 27-12-2017

Kính gửi: Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 1016/BCT-XTTM của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Điều 24)

Theo quy định tại khoản 2 thì các loại tài liệu trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện phải “được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật”. Hiện nay, có nhiều nước và giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam, dựa trên các hiệp định mà nước ta đã ký kết (ví dụ các hiệp định tương trợ tự pháp, hiệp định lãnh sự,…). Hiện tại Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét gia nhập Công ước La Haye 1961 về hợp pháp hóa lãnh sự (và nếu gia nhập thì việc hợp pháp hóa lãnh sự sẽ được miễn với tất cả các thành viên Công ước, hiện là 151 nước).

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định “trừ các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước, Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia/là một Bên”.

2. Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Điều 25)

Điều 25 Dự thảo quy định về các trường hợp từ chối cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, trong đó có một số trường hợp cần cân nhắc thêm:

  • Trường hợp “Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này” (khoản 1): Quy định về trường hợp này có thể là hợp lý, nhưng toàn bộ Dự thảo không thấy có quy định nào về điều kiện được thành lập, hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy không rõ căn cứ từ chối trong trường hợp là gì?
  • “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (khoản 5): Quy định này là chưa rõ và có thể khiến cho các tổ chức xúc tiến thương mại không thể nhận diện được hết các trường hợp không được cấp giấy phép.

Để đảm bảo tính minh bạch trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các trường hợp không được cấp phép, nếu không quy định cụ thể hơn đề nghị bỏ quy định tại khoản 5.

  • Cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Điều 27)

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Dự thảo, trường hợp “thay đổi hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài” thì văn phòng đại diện phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép thành lập.

Quy định này có điểm không rõ ràng: Như thế nào được cho là “thay đổi hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài”? mọi thay đổi hay chỉ những thay đổi lớn ảnh hưởng tới nội dung ghi trên Giấy phép thành lập? Nếu thay đổi của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài không ảnh hưởng tới nội dung ghi trên Giấy phép thành lập của Văn phòng đại diện thì tại sao phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện?

Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ chỉ phải thực hiện thủ tục cấp lại Giấy phép nếu các thay đổi của Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài ảnh hưởng tới các nội dung ghi trong Giấy phép thành lập của Văn phòng đại diện.

3. Hồ sơ cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Điều 28)

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại một số lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản:

  • Quy định rõ hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 là áp dụng cho trường hợp tại điểm a khoản 1 Điều 27;
  • Điều chỉnh lại điều khoản dẫn chiếu là Điều 27 thay vì Điều 47.   

4. Thông báo hoạt động của văn phòng đại diện (Điều 30)

Khoản 2 Điều 30 Dự thảo yêu cầu văn phòng đại diện phải chính thức hoạt động trong vòng 45 ngày và phải thông báo về việc này cho các cơ quan nhà nước về việc chính thức hoạt động.

Quy định này là chưa hợp lý bởi:

  • Về mặt nguyên tắc thì khi cấp Giấy phép thành lập là cơ quan Nhà nước đã chấp thuận trao quyền hoạt động cho Văn phòng đại diện và đồng thời cũng ghi nhận nghĩa vụ hậu kiểm đối với chủ thể này (trong đó có cả việc theo dõi thời điểm chính thức hoạt động và hoạt động của họ), việc đòi hỏi thủ tục này làm giảm trách nhiệm liên quan của cơ quan Nhà nước;
  • Việc đặt ra thời hạn tối đa mà Văn phòng đại diện phải chính thức hoạt động là không hợp lý. Các trường hợp cấp phép khác (thậm chí cấp phép thành lập chủ thể phức tạp hơn, ví dụ các doanh nghiệp FDI) cũng có yêu cầu về thời hạn cũng như thủ tục thông báo này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 2 Điều 30.

6. Báo cáo hoạt động

  • Dự thảo hiện đang quên đánh số với Điều khoản về vấn đề này (hiện đang đặt giữa Điều 31 và Điều 32 và không có số)
  • Khoản 1 quy định “định kỳ hàng năm, trước ngày làm việc cuối cùng của tháng 01 năm kế tiếp, văn phòng đại diện phải gửi báo cáo về hoạt động trong năm của mình. Quy định này có bất cập (i) mốc thời gian chưa rõ ràng, vì không rõ ngày nào là ngày làm việc, và có thể tạo cách hiểu không thống nhất giữa các đối tượng áp dụng (ví dụ thứ Bảy có phải ngày làm việc không? Ngày nghỉ theo lịch nghỉ lễ của nước ngoài nhưng là ngày làm việc của cơ quan hành chính Việt Nam?), (ii) về nội dung, không rõ văn phòng đại diện phải nộp báo cáo về những hoạt động gì (nếu là tất cả các hoạt động thì không thể). Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định thời gian cụ thể và nội dung mà văn phòng đại diện phải báo cáo;
  • Khoản 3 quy định “Trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam, văn phòng đại diện có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình …”. Quy định này trao quá nhiều quyền cho các cơ quan nhà nước trong việc yêu cầu các văn phòng đại diện phải báo cáo và giải trình. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng xác định rõ các trường hợp văn phòng đại diện phải báo cáo, cung cấp tài liệu và giải trình trên. Trong trường hợp không thể quy định cụ thể hơn, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan