Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới: Đừng quá sợ “ma”!

Thứ Bảy 16:13 20-05-2006
Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới: Đừng quá sợ "ma"!

TS Nguyễn Quang A
Đăng tại Báo Lao động, số 232 Ngày 22.08.2005



Dư luận gần đây rất quan tâm đến dự thảo Luật Doanh nghiệp 2005 sẽ thay thế cho Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996 (được sửa đổi năm 2000). Báo Lao Động các số ngày 17 và 18.8.2005 đã tường thuật thảo luận của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự luật này ngày 15 và 16.8.2005. Tôi xin được góp thêm vài ý kiến nhỏ.

Doanh nghiệp nhà nước ở đâu?

Đó "là câu hỏi nóng nhất được đưa ra thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", và được một số đại biểu chuyên trách cho là chưa được đề cập đến (ông Nguyễn Đức Kiên, LĐ 17-8 trang 7). Theo chúng tôi, nhận xét như vậy là chưa xác đáng.

Điều 1 của dự luật "quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của (... các loại công ty...) thuộc mọi thành phần kinh tế". Điều 2 ghi: "Luật này áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế...".
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước có được bao gồm trong dự luật này. Hơn nữa, các mục 16, 17, 18 của Điều 4 nêu rõ các khái niệm về vốn của Nhà nước; các điều 162, 163, 164, 166 nói rõ về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH hay công ty cổ phần trong thời gian 4 năm, về thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước, về thành lập mới doanh nghiệp nhà nước, về luật này thay thế Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003. Thế thì vì cớ gì hỏi doanh nghiệp nhà nước ở đâu?

Không chỉ có vậy, khi đã chấp nhận doanh nghiệp sở hữu nhà nước cũng hoạt động theo luật thống nhất thì hàng loạt vấn đề nhức nhối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay có cơ hội được giải quyết. Chỉ đơn cử, các quy định về những người lãnh đạo doanh nghiệp nêu ở các điều 55, 56, 66, 67, 69, 112, 113 về tiêu chuẩn, nghĩa vụ của họ và công khai các lợi ích của những người liên quan sẽ giúp tránh được xung đột lợi ích, tăng cường đạo đức quản trị, loại bỏ được các công ty "gia đình" (như ở Công ty điện lực TPHCM và rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác) của các lãnh đạo doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị của mọi loại doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu.

Như thế, nếu doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo luật thống nhất sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho các doanh nghiệp đó, tạo cơ sở pháp lý cho các thí điểm về công ty mẹ - công ty con, về "tập đoàn" hay nhóm công ty. Ngược lại, một số kẻ tham nhũng sẽ còn ít đất dụng võ hơn. Tôi cho rằng, sẽ có những khó khăn kỹ thuật trong chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH hay công ty cổ phần, nhưng giải quyết chúng không khó, và đặt ra thời hạn 4 năm cho việc này là quá dài nhưng có thể chấp nhận được.

Ngăn ngừa doanh nghiệp "ma"

Nhiều đại biểu nghĩ phải quản lý chặt. Rất đúng. Nhưng quản lý cái gì? Bằng cách nào? Đây là vấn đề cần làm rõ và đừng lẫn lộn. Theo tôi dự luật nêu khá rõ về khung trong đó các loại công ty hoạt động. Quản lý tức là có tổ chức tạo điều kiện cho họ làm việc trong khung khổ ấy, giám sát xem họ có làm đúng không, nâng cao nhận thức, thưởng phạt và trừng trị nếu cần. Đó chủ yếu thuộc phạm vi hành pháp và tư pháp.

Người ta thường coi là doanh nghiệp "ma" khi các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, chính quyền địa phương) không nắm được gì, không biết nó ở đâu, v.v... Đấy là lỗi của công việc quản lý nhà nước, không phải là lỗi của Luật Doanh nghiệp. Thí dụ, có cơ quan đăng ký kinh doanh thống nhất không? Hệ thống thông tin của họ có được kết nối với hệ thống của cơ quan thuế và các cơ quan bảo vệ pháp luật hay không? Các cơ quan đó có phối hợp được với nhau không? Nếu không, như vừa qua, thì có cấp phép, có thẩm định, có siết chặt đến mấy cũng vẫn không tránh được các hiện tượng đó.

Vấn đề không phải là "khi thành lập doanh nghiệp, các đơn vị này phải chứng minh khả năng tài chính..., và khả năng lãnh đạo doanh nghiệp" như đại biểu Nguyễn Văn Thuận nghĩ, vấn đề là ở chỗ khác. Ai có năng lực và có thẩm quyền đòi họ chứng minh khả năng lãnh đạo doanh nghiệp? Họ chứng minh bằng cách gì? Ai đánh giá chứng minh của họ? Họ có quyền và có biết đánh giá không?

Đòi thế là vô lý, và bất khả thi (lấy tiêu chuẩn nào bảo họ không đủ khả năng), đó là gây khó khăn và vi phạm quyền của người dân. Và như thế nghĩ rằng "nếu "mở" theo Điều 12 thì nguy hiểm quá" (LĐ 18-8 tr.7) là không có căn cứ gì cả. Tôi nghĩ những hạn chế và điều kiện nêu ở điều 7 và 8 của dự luật (các ngành bị cấm hay phải có điều kiện) là đủ, và chỉ trong các lĩnh vực hẹp và được quy định rất rõ như thế, thì mới có thể có cơ quan có trình độ và năng lực để thẩm định, xác minh, đánh giá và trên cơ sở đó quyết định có cấp phép hay không.

Với một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng bảo hiểm, dịch vụ tài chính..., một số đại biểu đề nghị cần quy định bổ sung các quy định về năng lực tài chính, trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp" (LĐ 17-8, tr.7). Tôi nghĩ chắc các vị chưa đọc kỹ mục 2 - Điều 3, "Trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác với quy định của luật này, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành".

Và thực sự các vấn đề mà các vị lo như nêu trên là do luật chuyên ngành hiện hữu điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang làm khá chuyên nghiệp và rất chặt trong lĩnh vực này. Có lẽ nên bình tĩnh suy ngẫm, đọc kỹ dự luật, nhớ lại các luật do chính các vị đã thông qua và đừng lo sợ quá. Điều lo sợ ấy mới đáng gọi là "ma".

Các văn bản liên quan