Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh tỉnh Đắk Nông góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:27 28-11-2014

Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau.

Vấn đề thứ nhất, trong dự thảo tại Điều 9 đăng ký kết hôn có Khoản 2 cần cân nhắc, xem xét lại. Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 9: Nghi thức kết hôn không theo quy định của pháp luật về hộ tịch đều không có giá trị pháp lý. Giải nghĩa từ nghi thức, một số từ điển tiếng Việt đều thống nhất cho rằng nghi thức là cách thức tiến hành theo nề nếp quy định, là toàn bộ nói chung những điều quy định có tính chất nghiêm túc theo quy ước của xã hội hoặc theo thói quen cần phải làm đúng theo giao tiếp, ứng xử. Ví dụ nghi thức ngoại giao, nghi thức cổ truyền v.v... Với cách hiểu thông thường như trên, từ "nghi thức" đặt trong Điều 9 đăng ký kết hôn, theo tôi không cần thiết vì có Khoản 1 đã viết việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Với nghĩa từ nghi thức như trên, tôi nghĩ rằng Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) không cần điều chỉnh nghi thức kết hôn để tránh va chạm đến các nghi lễ, tôn giáo hoặc phong tục, tập quán thuộc thuần phong, mỹ tục đang tồn tại bao đời nay trong xã hội.

Vấn đề thứ hai, trong dự thảo tại Chương V quan hệ giữa cha mẹ và con, tại Mục 1 quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con đã thiết kế Điều 77 đại diện cho con. Quy định nội dung cha mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, nội dung đại diện cho con trong dự thảo nói chung là rõ ràng và đầy đủ. Xuất phát từ thực tiễn trong luật này tôi thấy cần bổ sung một điều luật riêng quy định thêm nội dung đại diện cho cha mẹ bên cạnh điều luật đại diện cho con nói trên. Với mục đích để điều chỉnh trường hợp cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự vì lý do sức khỏe có thể là đau ốm, tai biến trong khi vẫn còn nguyên các giao dịch dân sự có liên quan đến kinh tế và tài sản.

Trong trường hợp cha mẹ chỉ có một con thành niên hoặc cha mẹ có nhiều con thành niên thì vấn đề đại diện cho cha mẹ còn sống nhưng mất hành vi năng lực dân sự cũng cần phải đặt ra để điều chỉnh. Vì trong thực tiễn cần có người tiếp tục định đoạt các giao dịch dân sự dẫn đến giao dịch về tài sản mà cha mẹ đang tiến hành khi cha mẹ chưa mất năng lực hành vi dân sự. Đồng thời để giải quyết sự bất đồng, tranh chấp giữa các con của cha mẹ khi cha mẹ tuy còn sống nhưng không còn đủ sức khỏe, minh mẫn, không đủ năng lực hành vi dân sự để định đoạt các giao dịch dân sự dẫn đến giao dịch về tài sản đang thực hiện dở dang.

Vấn đề thứ ba, trong dự thảo Điều 10, người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cần được xem xét chỉnh sửa cho hợp lý hơn. Cụ thể tại Khoản 1, theo tôi cần thiết phải bỏ cụm từ "theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự" trong đoạn này để nói rõ người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 2 điều này yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật, để cụm từ "theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự trong điều khoản" cảm giác rối cho điều luật.

Vấn đề thứ tư, trong dự thảo lần này có bổ sung Điều 13, xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền có nội dung: "Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật về hộ tịch thì khi có yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi cho phù hợp". Trong khi đó Điều 9, đăng ký kết hôn tại Khoản 1 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo tôi trong vấn đề hôn nhân quan điểm sửa đổi cho phù hợp là cần thiết vì ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ trong cuộc sống. Tuy nhiên trong hoạt động công vụ rõ ràng phải nghiêm khắc những việc làm không đúng thẩm quyền. Đọc qua nội dung của Điều 13 cho thấy nếu có cơ quan đăng ký kết hôn sai với thẩm quyền thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi tạo cảm giác thả nổi trong thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn, tôi đề nghị viết lại cho rõ ràng và chặt chẽ hơn.

Thứ năm, trong lần dự thảo trước đây và những nội dung bổ sung cho dự thảo luật lần này nổi bật vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Điểu 95. Theo tôi nên cân nhắc kỹ có nên đưa vào Luật hôn nhân và gia đình lần này hay chưa hoặc cần phải tạm thời gác lại, vì một số lý do lớn như sau.

Một, thực tế nhu cầu về những cặp vợ chồng cần có con thông qua mang thai hộ đã trở thành phổ biến trong xã hội nước ta hiện nay để cần phải có luật điều chỉnh nhiều hay chưa? Cần phải có công tác chuẩn bị thật kỹ để định lượng tương đối về vấn đề này. Qua tiếp xúc cử tri, tôi cảm nhận được tỷ lệ cử tri nhận biết về kỹ thuật thực hiện mang thai hộ cũng như dò hỏi dư luận về sự cần thiết của hỗ trợ kỹ thuật y tế trong công tác sinh con bằng biện pháp mang thai hộ thì có rất ít ý kiến cho rằng việc mang thai hộ cho dù với mục đích nhân đạo là cần thiết, khó hình dung, xa lạ và một số ý kiến cho rằng rất tốn kém chi phí nếu thực hiện được thì dành cho người giàu có trong xã hội.

Thứ hai, cần phải xem xét thêm dưới góc độ của những đứa trẻ sau khi ra đời có ý nghĩa nhân đạo. Ở đây dự thảo mới đặt vấn đề dưới góc độ ý muốn chủ quan của những cặp vợ chồng muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống nhưng lại nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết về người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chịu hậu quả pháp lý và xã hội chính là đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý xã hội, về hòa nhập cộng đồng. Đứa trẻ sinh ra không thể gọi người cưu mình trong quá trình thai kỳ là người mang thai hộ mà phải gọi là mẹ. Như vậy trong hồ sơ pháp lý cá nhân phần khai về người mẹ ngoài việc phân biệt mẹ ruột, mẹ nuôi còn có thêm mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử lý và suy cho cùng là không mang lại ý nghĩa tích cực chí ít trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan