”Chúng tôi cố gắng làm sao chỉ một giấy”

Thứ Bảy 16:11 20-05-2006
''Chúng tôi cố gắng làm sao chỉ một giấy''

(VietNamNet - 20/8/2005) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc đã bày tỏ như vậy trước ý kiến cho rằng, cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh là ''hai giấy'' gây phiền hà nhà đầu tư.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luật về dự án Luật doanh nghiệp (chung), ông đã giải trình một số thắc mắc của đại biểu:

''Theo luật đầu tư nước ngoài hiện hành thì đầu tư có trước, doanh nghiệp có sau. Có giấy phép đầu tư rồi, đó là cơ sở để lập doanh nghiệp. Còn đối với đầu tư trong nước, thì doanh nghiệp có trước, đầu tư có sau, đa phần như vậy. Doanh nghiệp của ta thành lập, chế độ đăng ký kinh doanh rất rộng rãi. Doanh nghiệp có anh làm đến 10 ngành nghề, đăng ký sướng thì thôi, nhưng khi kiểm tra thì không có đầu tư nào hết. Thậm chí không biết địa chỉ doanh nghiệp ở đâu. Như đại biểu phản ánh, 300 doanh nghiệp ở Nghệ An tìm không ra địa chỉ.

Đối với đầu tư nước ngoài, ta yêu cầu doanh nghiệp và nhà đầu tư phải đồng thời. Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư mới được lập doanh nghiệp. Đây là điều để khống chế và quản lý nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nhà đầu tư nước ngoài cho như doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có trước. Họ có doanh nghiệp, họ vào Việt Nam, làm như các doanh nghiệp trong nước hiện nay, cũng đăng ký tùm lum cả lên, họ mua bán, xuất nhập khẩu, đánh quả, chụp giật thì không thể chấp nhận được.

Thủ tướng đã chỉ đạo Ban soạn thảo Luật đầu tư. Đối với đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư phải có đầu tư vào mới được lập doanh nghiệp, lập doanh nghiệp và đầu tư đồng thời. Cho nên trong dự thảo Luật đầu tư, đối với nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi ghi một điều là doanh nghiệp đầu tư phải có dự án đầu tư mới được lập doanh nghiệp. Và giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tinh thần chỉ có một giấy.

Đối với đầu tư trong nước, ta vẫn cho lập doanh nghiệp trước. Doanh nghiệp được lập trước, được đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng có thể chưa đầu tư. Bởi vì có thể họ chưa tích lũy đựoc vốn để đầu tư lớn. Nhưng cũng có loại hình doanh nghiệp có nhà đầu tư lớn, dự án có lợi rồi, họ cùng nhau thành lập doanh nghiệp để đầu tư. Cũng có trường hợp doanh nghiệp và đầu tư đồng thời với nhau như đối với đầu tư nước ngoài. Thế còn để đơn giản hoá thủ tục, chúng tôi quy định thế này, chưa có dự án đầu tư có quyền thành lập thoải mái. Đây chính là quyền, đặc ân, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam. Thế còn nếu anh có dự án đầu tư đồng thời, thì giấy đăng ký kinh doanh đồng thời là giấy chứng nhận đầu tư. Luật (quy định) chỉ một giấy thôi!

Đối với loại dự án mà hiện nay đang quy định là 5 tỷ đồng, sắp tới đây chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội nâng lên 10 tỷ. Doanh nghiệp trong nước có dự án đầu tư đến 10 tỷ, nếu dự án ấy nằm trong ngành nghề đã có trong giấy phép kinh doanh thì anh không phải lập (doanh nghiệp), chỉ cần một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu nhà đầu tư trong nước đầu tư vào các dự án mà sau này quy định dưới 10 tỷ thì nhà đầu tư không phải làm bất kỳ một giấy gì hết. Chỉ có một phiếu (theo mẫu quy định) gửi lên cơ quan đăng ký kinh doanh là tôi đã đầu tư dự án này, với số tiền là 9,5 tỷ chẳng hạn, cho cơ quan quản lý biết. Thế còn nếu anh làm trong phạm vi 10 tỷ đến 300 tỷ thì anh nộp giấy đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý kinh doanh đồng thời là cơ quan quản lý đầu tư cấp thêm cho anh giấy chứng nhận đầu tư. Đó là anh làm tiếp theo, đã có giấy đăng ký kinh doanh. Nếu anh bắt đầu lập doanh nghiệp mà đầu tư ngay thì cũng chỉ một giấy.

Về thủ tục, chúng tôi đã làm, cố gắng làm sao hoà đồng làm một, chỉ một giấy, đơn giản tối đa thủ tục. Nhưng buộc phải có đăng ký. Hiện nay, doanh nghiệp thắc mắc chúng tôi có giải trình, có tiếp thu, điều chỉnh lại, làm sao cho thủ tục thật sự đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Và cũng đã minh bạch hết sức rồi! 7 ngày làm việc để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án đến gần 20 triệu đôla. (Hiện nay là 1 tháng). 20 ngày làm việc cho dự án trên 300 tỷ đồng (tức trên 20 triệu đôla). 30 ngày cho dự án đặc biệt quan trọng. Đó là áp lực rất lớn về thời gian cho các cơ quan đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Còn mốc vì sao lấy là 300 tỷ đồng? Chúng tôi lấy mức quy định tương đồng với Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA) là 20 triệu đôla. trong BTA yêu cầu chúng ta, kể từ chúng ta từ 10/12/2007 phải mở việc đăng ký cấp phép đến dự án là 20 triệu đôla. Đến ngày 10/12/2010 thì tất cả các dự án phải mở cửa. Tức là chỉ đăng ký và cấp phép, chứ không phải thẩm định giấy phép nữa.

Về lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, có đồng chí thắc mắc là 4 năm (dự thảo Luật doanh nghiệp quy định, trong vòng 4 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành chuyển đổi thành công ty TNHH và công ty cổ phần, để vào sân chơi chung của Luật doanh nghiệp - PV) có dài quá không, căn cứ vào đâu chọn 4 năm? Căn cứ vào lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ (đã được thông qua) thì lộ trình chuyển đổi mất hơn 3 năm. Tính 3 năm vào khoảng độ 1/7/2009 thì phải xong tất cả chuyển đổi. Nhưng cũng dự phòng khả năng có thể thòi đuôi vài doanh nghiệp. Mà trong dự thảo Luật doanh nghiệp quy định rõ, sau 4 năm Luật doanh nghiệp nhà nước cũng không còn tác dụng. Cho nên mới xin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho điều chỉnh lùi lại 1 năm thàng 4 năm''.

Văn Tiến lược ghi

Các văn bản liên quan