Chống giao dịch tư lợi, phải công khai minh bạch

Thứ Sáu 09:47 26-05-2006
Chống giao dịch tư lợi, phải công khai minh bạch

TTCN (23/07/2005) - Có một thực trạng hiện nay, lãnh đạo trong cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước thông qua người nhà thành lập các “công ty “một nhà” để hưởng đặc lợi hoặc rút tiền của Nhà nước.

Cũng có những công ty “một sở, một bộ, một ngành” được ưu ái, chia sẻ quyền lợi trong nội bộ nhưng trên bình diện rộng lại gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nền kinh tế. TTCN đã cùng ông Nguyễn Đình Cung - trưởng Ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - “mổ xẻ” vấn đề này.


* Làm sao ngăn chặn được tình trạng “công ty người nhà” rút tiền nhà nước, thưa ông?

- Theo tôi thì đơn giản! Ví dụ, ông giám đốc có người nhà thành lập công ty, ông phải khai báo với cơ quan nhà nước, với đơn vị. Ông phải khai báo trong toàn công ty rằng: “Người nhà tôi đã thành lập những công ty này..., tên tuổi, địa chỉ, số đăng ký kinh doanh... Ở đó người nhà tôi có bao nhiêu phần vốn góp...”. Đấy là cái đầu tiên phải làm với tư cách một người đảm bảo tính minh bạch của mình và đảm bảo (trong quản trị công ty) những nghĩa vụ gọi là trung thành, trung thực, cẩn trọng. Anh đang làm việc cho “ông chủ” Nhà nước nên anh phải trung thành với lợi ích của “ông chủ”.

Luật doanh nghiệp đã qui định và trong dự thảo Luật doanh nghiệp (chung) lần này nói rất rõ việc anh phải kê khai, công khai hóa những người có liên quan.

* Chẳng hạn một bộ trưởng có con thành lập công ty tin học thì cũng phải khai báo việc này...?

- Ông bộ trưởng càng phải kê khai.

* Thực tế có qui định kiểm soát nhưng không ai thực hiện cũng chẳng sao?

- Phải vừa giám sát vừa có biện pháp xử lý. Trong những trường hợp như thế anh đã vi phạm nghĩa vụ trung thành. Dù một sự vụ thôi, theo tôi, anh cũng phải từ chức hoặc bị cách chức. Chứ đừng có kiểu không nghe, không biết, không thấy. Theo tôi, nói như thế là vô trách nhiệm! Ông bộ trưởng hay ông tổng giám đốc phải biết ở dưới như thế nào, phải biết hằng ngày. Nếu chưa biết được thì anh chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.

* Nhiều giao dịch tư lợi trót lọt cũng do pháp luật về đấu thầu có kẽ hở?

- Những giao dịch có khả năng tư lợi thì anh phải công khai minh bạch ra “đây là công ty người nhà của tôi”. Trong nhiều trường hợp như thế không thể chỉ định thầu được. Bắt buộc anh phải đấu thầu lựa chọn sản phẩm tốt nhất. Nhưng đây mình sai từ nguyên lý nên những cái sau là vụn vặt. Có tuân thủ qui định về đấu thầu hay không là những thứ phát sinh từ cái sai của nguyên lý, không làm đúng nguyên lý quản trị công ty. Đó là những giao dịch có khả năng tư lợi phải kiểm soát, công khai hóa, minh bạch.

* Giao dịch tư lợi trong công ty “một nhà, một bộ, một ngành” hiện nay là phổ biến?

- Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước của ta rất lỏng lẻo. Bởi vì mỗi thành viên trong đó đều không có cơ chế giám sát họ, tức là không ai được giám sát và bị giám sát đến mức buộc anh phải tuân thủ.

Bởi vì vẫn là đại diện chủ sở hữu chứ không phải chủ sở hữu đích thực. Thêm vào đó cơ chế giám sát đối với đại diện chủ sở hữu của mình hầu như hiện nay trong pháp luật và cơ chế đang bỏ ngỏ. Mà không có giám sát ở trên kia thì giám sát dưới này càng xa càng lỏng. Như thế nguy cơ phát sinh giao dịch tư lợi là rất lớn.

Theo tôi, cần tạo cơ chế luôn tạo áp lực cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước rằng mình bị giám sát và buộc mình phải hành động trung thực, cẩn trọng để phục vụ lợi ích chung của chủ sở hữu nhà nước. Dù đó là bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc, cơ chế luôn tạo áp lực, những người đó luôn hành động trong môi trường mình bị giám sát, bị soi.

* Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước?

- Phải nói rõ mình xóa ở đây là xóa hành chính chủ quản. Đầu tiên, quyền hành chính nhà nước với quyền chủ sở hữu là phải tách biệt. Không thể nhập nhèm vừa làm quản lý hành chính nhà nước vừa làm chủ sở hữu. Vì hai hoạt động này bản chất khác nhau, nếu cùng nhập vào không những bản chất khác nhau mà còn mâu thuẫn với nhau về lợi ích. Bởi vì quản lý nhà nước mục đích khác, quản lý kinh doanh mục đích khác. Hai mục đích có thể không tương thích với nhau.

Thông thường nhiều nước giao cho một cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu...

* Một bộ hay cơ quan chuyên trách...?

- Thành lập một cơ quan chuyên trách dạng như một bộ làm chủ sở hữu. Hoặc ít doanh nghiệp hơn thì người ta thực hiện giống như đại hội cổ đông, các ông bộ trưởng hợp nhau lại làm đại hội cổ đông của tất cả các công ty nhà nước. Tất nhiên là các công ty nhà nước của họ ít chỉ 20-30 công ty. Trường hợp như Singapore thành lập công ty đầu tư tài chính nhà nước, ông bộ trưởng Bộ Tài chính được giao quyền chủ sở hữu nhà nước đối với công ty này, thực hiện kinh doanh vốn và đầu tư tài chính đối với công ty kinh doanh nhà nước hoặc có sở hữu nhà nước.

* Ta đang muốn học tập Singapore lập tổng công ty quản lý vốn nhà nước?

- Nhưng mới giải quyết phần ngọn. Còn vấn đề là ai sẽ làm chủ sở hữu với tổng công ty này. Tôi đồng ý là có tiến bộ hơn so với hiện hành là thu gọn đầu mối làm chủ sở hữu và tách quản lý hành chính với chủ quản doanh nghiệp nhưng cuối cùng ai sẽ làm chủ mấy ông này?

* Ông vừa nói nhiều nước giao cho một cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu...?

- Trung Quốc làm theo lối là thành lập cơ quan chuyên trách quản lý tài sản nhà nước (thuộc chính phủ), thực hiện quyền chủ sở hữu. Việc đầu tiên là cơ quan này xây dựng tiêu chí sắp xếp lại, kiểm kê lại tài sản nhà nước sẽ quản lý. Sau đó ban hành tiêu chí đánh giá bảo toàn và phát triển vốn, xây dựng tiêu chí bổ nhiệm cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý...

Có lẽ cách làm đó đáng tham khảo. Vì mình cũng không thể nào cổ phần hóa hay tư nhân hóa hết được.

“Công ty một nhà” gắn kết với một doanh nghiệp nhà nước hay một bộ, hay đại thể là một người có quyền lực chi phối hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có quyền lực ảnh hưởng. Đồng thời thiết lập giao dịch giữa người có quyền lực này với những doanh nghiệp vệ tinh hay doanh nghiệp “một nhà” của ông ấy. Bản chất của những giao dịch đó là giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi.

Luật pháp các nước điều chỉnh cái này khác nhau. Có nước cấm, anh không được thực hiện giao dịch như thế. Nhưng nói chung trong thế giới ngày nay, xu hướng là không cấm. Nhưng anh phải minh bạch hóa để đảm bảo giao dịch đó, theo cơ chế thị trường, giống như giao dịch với bất cứ đối tác nào khác”.


Chị Diệp Thu Vân
(23/17 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM)

“...Cách chức, khiển trách, truy cứu trách nhiệm ông này ông nọ làm gì khi vấn đề của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi vẫn phải ngồi chờ xem đến chừng nào mình mới hết bị “móc túi” một cách vô lý như thế. Muốn thay điện kế là thay, không cần thông báo trước với người dân, rồi bây giờ lại xảy ra trường hợp đồng hồ dỏm thế này. Mong là các nhà chức trách đừng nói và đừng kiểm điểm nữa, hãy làm đi cho chúng tôi được nhờ!”


TRẦN ĐỨC BÌNH thực hiện

Các văn bản liên quan